CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN,TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LUÔN SỐNG MÃI


Sự sụp đổ của chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu không chỉ là tổn thất nặng nề của CNXH hiện thực mà còn là một đòn đánh khá nặng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng ta.

Lợi dụng tình thế này, một số người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã hoan hỷ cho rằng, thời đại mới đã đến - thời đại “kết thúc vai trò của XHCN khoa học” và “kết liễu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Từ đó, họ tuyên bố ầm ĩ về tương lai “chiến thắng của hệ tư tưởng tư sản trên phạm vi toàn cầu” và “tính khách quan phải thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Thế nhưng, một số “nhà chính trị tư sản nòi” đã “xù lông” cảnh báo: “chủ nghĩa Mác - Lênin chưa chết”, “CNXH chưa cáo chung”. Những người này cho rằng, “cuộc chiến chống chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ bước sang giai đoạn mới với nội dung, hình thức mới”. Sự dè chừng của những “nhà chính trị tư sản nòi” không phải là vô cớ. Họ hiểu rằng, không phải đến ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lênin mới bị giai cấp tư sản “khai tử”, mà ngay từ khi ra đời cho đến nay, CNTB đã tuyên bố như thế, nhưng hơn một thế kỷ rưỡi đã trôi qua, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn “bất tử”, phong trào cách mạng vẫn phát triển. Ngọn lửa của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn cháy, các thế hệ kế tục vẫn trung dũng, kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, chống lại sự đè nén, áp bức, bất công của CNTB.

Đúng vậy, sau khi chế độ XHCN theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa cơ hội, xét lại ngốc đầu dậy, toan tính “trả thù” chủ nghĩa Mác - Lênin để trút bỏ sự căm giận, hận thù cộng sản nhưng họ đã nhầm. Bởi vì, từ khi còn là “một bóng ma ám ảnh châu Âu”, chủ nghĩa Mác đã phải đối mặt với nhiều loại kẻ thù lớn nhỏ, từ chủ nghĩa cơ hội, xét lại đến CNXH không tưởng tiểu tư sản... đã ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của “phong trào xã hội - dân chủ” với chủ nghĩa xét lại của Becsxtanh và Cauxki để giữ vững lập trường, quan điểm mác xít. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chiến đấu chống lại hệ tư tưởng cải lương của “CNXH - dân chủ”, “CNXH chân chính”, “chủ nghĩa cơ hội hữu huynh” và “chủ nghĩa cơ hội tả huynh”, “chủ nghĩa xét lại”... ngăn chặn sự truyền bá, ảnh hưởng của tư tưởng thỏa hiệp giai cấp vào phong trào công nhân quốc tế.

          Để đánh bại chủ nghĩa cơ hội, xét lại, bảo vệ các giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác, V.I. Lênin đã gánh vác trọng trách ấy và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó, chủ nghĩa Mác đã trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản. Nhờ đó, Cách mạng Tháng Mười Nga đã giành thắng lợi năm 1917, sau đó là thắng lợi của CNXH hiện thực cùng với sự ra đời của hệ thống các nước XHCN thế giới, năm 1945...

Tuy nhiên, sau khi V.I. Lênin qua đời, bản chất khoa học, cách mạng và sức sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin có mặt suy giảm. Sự phát triển của chủ nghĩa giáo điều, sự sơ cứng của tư duy lý luận đã làm hại chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH hiện thực. Tư duy giáo điều đã tỏ ra thiếu sức sống trong việc tổ chức thực tiễn, phát huy đầy đủ, mạnh mẽ những tiềm năng vốn có của chế độ xã hội mới, bế tắc trong giải quyết các vấn đề về chiến tranh và hòa bình; đổi mới và phát triển. Điều đó đã để âm ỉ lâu ngày, đã không có biện pháp khắc phục, làm cho vũ khí lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin bị han gỉ, “phai màu”.

Cùng lúc đó, CNTB lại tiếp sức cho chủ nghĩa cơ hội, xét lại tấn công CNXH từ bên trong, nhất là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN. Vì vậy, chủ nghĩa cơ hội, xét lại giành lại “thế thượng phong”, chiếm được ưu thế trên trận địa tư tưởng, lý luận; họ đã nêu yêu sách đòi “thay máu cho hệ tư tưởng” mà thực chất là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, thay vào đấy là hệ tư tưởng tư sản, văn hóa phương Tây.

Trong điều kiện đó, một số người theo đuôi bọn cơ hội đã phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong khi đó, các thế lực thù địch bằng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” đã làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ, đảng viên; ra sức bôi đen lịch sử, truyền thống cách mạng; tạo ra khoảng chân không về ý thức hệ trong Đảng Cộng sản và quần chúng nhân dân.

Đây là cơ hội “ngàn năm có một” để chủ nghĩa cơ hội, xét lại trồi lên, nhanh chóng, công khai chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin; đem hệ tư tưởng xã hội - dân chủ hiện đại thay thế hệ tư tưởng Mác - Lênin và mưu toan “kết hợp hệ tư tưởng xã hội - dân chủ hiện đại với hệ tư tưởng Mác - Lênin. Đây không phải là sự làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin mà là loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, thay thế bằng CNXH - dân chủ tư sản. Điều đó đặt ra vấn đề cấp thiết phải bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay; phải đẩy mạnh đấu tranh vạch trần “sự giả nhân giả nghĩa” của CNXH - dân chủ.

Đó là sự phản bội trắng trợn, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin đứng trước những thử thách mới, rất nghiêm trọng; buộc những người cộng sản phải tự đổi mới, bổ sung, phát triển toàn diện hệ tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên con đường đấu tranh xây dựng một chế độ xã hội văn minh tiến bộ - xã hội XHCN.

Khác với cuộc chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh, với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch thời nay đang chĩa nòng súng vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mưu toan làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta hoài nghi, bi quan, rồi từ bỏ toàn bộ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, thay máu cho hệ tư tưởng mác xít bằng hệ tư tưởng tư sản. Vì vậy, bằng mọi cách, họ đang xúc tiến quá trình tạo ra sự hỗn loạn về tư tưởng trong Đảng, Nhà nước ta; cố tình tạo ra sự tan rã về tư tưởng, tổ chức và cán bộ trong Đảng, Nhà nước Việt Nam; làm cho hệ thống công cụ bảo vệ chế độ XHCN bị vô hiệu hóa. Vì vậy, bài học xương máu cần rút ra trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là tuyệt đối không được mắc mưu “diễn biến hòa bình”; phải đánh bại các hướng tiến công của địch vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “từ sớm, từ xa”.

Trước hết phải bảo vệ những nguyên lý cơ bản và tiếp tục khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giá trị và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn của những nguyên lý đó; chống lại sự xuyên tạc cả về Triết học Mác - Lênin, Kinh tế Chính trị học Mác - Lênin, CNXH khoa học và các bộ môn khoa học lý luận chính trị khác. Đó là việc làm cần thiết nhưng không chỉ có vậy, không chỉ dừng lại ở các nhiệm vụ ấy; chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển và đổi mới toàn diện, đồng bộ cả ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải phê phán, vạch trần tính chất vô căn cứ và có hại to lớn của các quan điểm sai trái, thù địch.

Không để hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bị dao động, ngả nghiêng. Nghĩa là, chúng ta vừa phải tự phê phán và đánh giá lại các giá trị của chính những người cộng sản đối với các di sản lý luận của các nhà kinh điển; phải chỉ ra cái gì đến nay vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn; cái gì đúng vào thời các ông nhưng ngày nay không còn phù hợp; cái gì không đúng hoặc chưa đầy đủ, còn thiếu, rất cần phải bổ sung.

Như vậy, chúng ta phải làm một sự phê phán “kép”: vừa phê phán bản thân mình và phê phán những kẻ phê phán chúng ta. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng, nhất thiết phải tiến hành đồng thời, bởi nó đan cài vào nhau, tác động và phụ thuộc lẫn nhau; dẫu biết điều này là vô cùng khó khăn, phức tạp nhưng buộc chúng ta phải tiến hành song song.

Cần quán triệt cho rõ rằng, chúng ta phê phán để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng nó lên tầm cao mới, không phải phê phán để đánh đổ nó. Cho nên chúng ta phải đứng vững trên lập trường thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, càng không phải trên lập trường của giai cấp tư sản để phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm của chúng ta.

0 nhận xét: