Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức cách mạng là cái gốc, là nền tảng của người cách mạng. Bắt nguồn từ chức năng điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của con người, đạo đức cách mạng tạo ra động cơ hành động đúng đắn, tạo ra ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của con người. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang; có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, mới lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.
Từ những quan niệm nêu trên, cho thấy
quan niệm chung của Chủ tich Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng Việt Nam gồm những
điểm cơ bản sau đây:
Một là, trung với nước, hiếu với dân. Theo Hồ Chí Minh, đây là phẩm chất
quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Từ quan niệm cũ
“trung với vua, hiếu với cha mẹ” trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến
phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, cao rộng hơn là “trung với
nước, hiếu với dân”.
Hai là, yêu thương con người. Quan niệm này cho thấy Chủ tịch Hồ
Chí Minh nói về lòng yêu thương con người rất toàn diện và độc đáo. Bởi vậy, Hồ
Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao
đẹp nhất.
Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khổng Tử đã từng nêu lên những khái niệm về cần, kiệm, liêm,
chính, ông cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính do “thiên phú”.
Tuy nhiên, khi vận dụng những khái niệm này của đạo đức cũ Người lại cho rằng cần,
kiệm, liêm, chính không phải do thiên phú mà do sự rèn luyện bền bỉ mà nên, Người
đã khằng định: đạo đức cách mạng không phải tự trên trời sa xuống mà do sự rèn
luyện bền bỉ mà nên.
Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là tinh thần đoàn kết
quốc tế vô sản mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng một mệnh đề “bốn phương vô sản đều
là anh em”, là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động
các nước mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn
của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, là tinh thần đoàn
kết của nhân dân Việt Nam với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới vì hòa
bình, công lý và tiến bộ xã hội, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và chủ
ngĩa xã hội, là tinh thần hợp tác và hữu nghị.
Tuy
nhiên, trong những năm gần đây, một bộ phận chiến sĩ cách mạng gánh trên vai
trọng trách xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa, lại bị suy thoái về đạo đức
nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tách mình
ra khỏi hàng ngũ những người cộng sản kiên trung, gia nhập vào đội quân của
“giặc nội xâm”, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc, làm cho “con tàu” Việt
Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bị chậm lại. Thực tiễn đã cho thấy,
tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16 tháng 6
năm 2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về
tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên trong giai đoạn mới, đã chỉ ra, nhiệm kỳ 2016-2020,
chỉ xét riêng suy thoái về đạo đức, lối sống có hơn 15.000 đảng viên
bị xử lý kỷ luật, vi phạm nhiều nhất là “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín, dị
đoan", ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp hoặc sa vào
tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc,
chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Nguyên
nhân dẫn đến các sai phạm của bộ phận cán bộ, đảng viên xuất phát từ năng lực,
trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phai nhạt lý tưởng cách
mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; ý chí
phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn
biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi
phạm pháp luật. Tựu chung lại, đều có nguồn gốc sâu xa đó là cán bộ, đảng viên
thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức truyền thống, đặc biệt quan trọng hơn đối với
người chiến sỹ cách mạng đó là thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Khi
đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên bị suy giảm, sẽ là điều kiện để cho cá
nhân chủ nghĩa trỗi dậy.
Trong các yếu tố thì yếu tố quan trọng
nhất, quyết định đến sự thành bại trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, hiện
thực mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, chính là yếu tố con người, mà ở đây là
những chiến sỹ cách mạng, lực lượng nòng cốt, chủ lực và tiên phong. Xây dựng
xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ khó khăn, rất nặng nề, chông gai nhưng nó là sự
nghiệp vẻ vang, muốn vững vàng trước những khó khăn, vượt qua thách thức, không
chùn bước trước kẻ thù, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang đó, thì người cách mạng phải
có đạo đức cách mạng làm nền tảng.
P.T.H.H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét