Hiện nay trên các trang mạng, các diễn dàn kinh tế không chính
thống xuất hiện các quan điểm cho rằng: “Các quan chức cộng sản ở Việt Nam… đã
đánh đổi môi trường lấy kinh tế”. Nguy hiểm hơn, các bài viết còn trắng trợn
nhận định và quy kết vô căn cứ: “Hậu quả là một mai khi chế độ độc tài toàn trị
do đảng cộng sản cai trị sụp đổ thì đất nước này, dân tộc này chỉ còn lại một
bãi Rác và một đống Nợ”. Qua đây cho thấy, mục tiêu cuối cùng của luận điệu
xuyên tạc, thù địch này là hòng làm giảm uy tín của Đảng thông qua lãnh đạo
công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Trước hết, phải khẳng định rằng, môi trường và vấn đề BVMT luôn
được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Trong các Văn kiện Đại hội Đảng thời
kỳ đổi mới, Đảng ta cũng luôn dành dung lượng xứng đáng để chỉ đạo công tác
BVMT, gắn BVMT với phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Đảng cũng đã ban hành
một số Nghị quyết chuyên đề chỉ đạo việc BVMT như: Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày
15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 09-NQ/TW, tháng 2/2007
của Hội nghị Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị
quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI về Chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường… Mới đây, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng cũng chỉ rõ mục tiêu của bảo vệ môi trường ở Việt Nam trong quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội là: “bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế
hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên,
tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.Thứ hai, Điều 43, Hiến
pháp năm 2013 của Việt Nam đã khẳng định: “Mọi người có quyền được sống trong
môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quốc hội Việt Nam cũng
đã xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về BVMT khá đầy đủ và đồng bộ. Tính đến
nay, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở nước ta đã ban hành gần 600 văn bản
có liên quan đến BVMT. Sau Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, hàng loạt các văn
bản Luật liên quan đến BVMT cũng được ban hành như: Luật Khoáng sản năm 1996;
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Thủy sản năm 2003; Luật Đất đai
năm 2003; đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 sửa đổi và Luật Bảo vệ
môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Đây là cơ sở pháp
lý nhằm BVMT trong từng dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam triển khai và thực hiện quyết liệt
các chương trình, kế hoạch về BVMT. Ngay từ năm 1991, khi nền kinh tế còn rất
khó khăn, nhưng Việt Nam đã thông qua “Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát
triển lâu bền 1991-2000”. Năm 1992, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự
Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janero
(Braxin) đã ký Tuyên bố chung của thế giới về môi trường Chương trình Nghị sự
21 toàn cầu, trên cơ sở đó cam kết xây dựng Chiến lược phát triển bền vững quốc
gia và chương trình nghị sự 21 địa phương; Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg về
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình
Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Sau gần 5 năm thực hiện chương trình
nghị sự 2030, thứ hạng của Việt Nam về chỉ số phát triển bền vững liên tục tăng
lên và xếp thứ 49/166 quốc gia xếp hạng vào năm 2020. Cuối tháng 10, đầu tháng
11/2021, Chính phủ Việt Nam đã tham dự Hội nghị COP26 tại Glassgow (Scotland,
Vương quốc Anh). Tại Hội nghị, Việt Nam đã tiên phong trong bảo vệ môi trường
khi cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí
metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Thứ tư, việc thực hiện chủ trương, chính sách về bảo vệ môi
trường ở Việt Nam thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu, đó là: “Hệ thống
chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với
biến đổi khí hậu được tiếp tục hoàn thiện và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu
quả… Chủ động triển khai thực hiên Chương trình quốc gia và nhiều giải pháp về
ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả bước đầu… Hợp
tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
được đẩy mạnh”.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã “Triển khai Chương trình mục tiêu ứng
phó với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, chủ động cam kết giảm thiểu phát
thải nhà kính. Đã xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai,
lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão,
nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và Đề án phát triển
các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây là những kết quả thiết
thực, đáng khích lệ trong công tác BVMT.
Những kết quả cả về lý luận và thực tiễn BVMT của Việt Nam nêu
trên đã làm sáng rõ quan điểm về BVMT và quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản
Việt Nam là: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng
đầu”; đây cũng là bằng chứng thuyết phục nhất phản bác những luận điệu xuyên
tạc cho rằng Việt Nam không quan tâm tới BVMT, không chú ý tới môi trường sống
của người dân, là “đánh đổi môi trường lấy kinh tế”…
Trong thời gian tới, để có môi trường sống trong lành, chủ
trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế
tuần hoàn, thân thiện với môi trường”; đồng thời, “Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và
phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi
trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng”; “Có kế
hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên,
gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô
thị”; “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin”.
VTK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét