P.T.H.H2
Nhà nước là một hiện tượng lịch sử -
xã hội, có quá trình ra đời, hình thành và phát triển, Kế thừa quan
điểm của C.Mác và Ph. Ăngghen, V.I.Lênin đã làm rõ hơn về điều kiện ra đời,
hình thành và phát triển của nhà nước, đó là: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện
của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ đâu,
hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không
thể điều hòa được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của
nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”.
Như thế, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của
nó là tùy thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, “nhà nước chỉ là một
tổ chức thống trị của một giai cấp” và “bất cứ nhà nước nào
cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác”.
Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà
nước phải là một công cụ, một phương tiện, đồng thời, là một biểu hiện tập
trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động. Dân chủ trong xã hội xã hội chủ
nghĩa chính là nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước. Điều cần
thiết không phải chỉ là cơ quan đại biểu theo kiểu chế độ dân chủ, mà
là toàn bộ việc quản lý nhà nước từ dưới lên phải do bản thân quần chúng tổ
chức, quần chúng thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò
tích cực trong việc quản lý.
Như vậy, bất kỳ một sự hiểu sai lệch
nào về nguồn gốc, bản chất nhà nước, đều sẽ dẫn tới những hành động không đúng
trong thực tế. Nếu tuyệt đối hóa chức năng xã hội, cho rằng nhà nước là của
chung, là của mọi giai cấp, là nhà nước phúc lợi thì tất yếu dẫn tới chủ trương
cải lương, phủ nhận vai trò của cách mạng xã hội. Ngược lại, tuyệt đối hóa chức
năng trấn áp giai cấp, thì sẽ dẫn tới việc phủ nhận hoàn toàn vai trò của nhà
nước, có thể dẫn tới tư tưởng nôn nóng, đòi xóa bỏ nhà nước mà không đứng trên
cơ sở thực tiễn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét