"Đấu tranh quốc phòng" là một
thuật ngữ ít được sử dụng, hoặc khi sử dụng lại chưa được thống nhất. Từ thực
tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình, đòi hỏi phải có nhận thức mới,
tư duy mới. Đấu tranh quốc
phòng là khái niệm phản ánh một mặt nhận thức của chúng ta đối với nhiệm vụ xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nghiên cứu đấu tranh quốc
phòng không phải chỉ vì lý do nhận thức, mà trước hết là cần phải đề xuất với
Đảng, Nhà nước một nhiệm vụ thường xuyên, tất yếu và rất quan trọng của sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, làm cho toàn dân, các ngành, các
cấp quan tâm thực sự đến vấn đề này. Muốn vậy, phải nhận thức đúng khái niệm
đấu tranh quốc phòng và vị trí quan trọng của nó trong các hoạt động của Đảng,
Nhà nước và nhân dân ta hiện nay.
Trước hết,
quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, gồm tổng thể hoạt động đối
nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, của nhà
nước và nhân dân để phòng thủ đất nước, tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối,
trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, nhằm giữ vững hòa bình, đẩy lùi, ngăn
chặn các hoạt động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm
lược dưới mọi hình thức, quy mô. Quốc phòng ở nước ta là quốc phòng toàn dân,
là sự nghiệp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cả
nước. Sức mạnh quốc phòng là sức mạnh tổng hợp, toàn diện. Mục đích của quốc
phòng là giữ vững hòa bình, ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây chiến, bạo
loạn lật đổ, đồng thời sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược. Với ý nghĩa
như vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ có rất nhiều chủ trương, nhiều cách
thức, biện pháp để thực hiện sự nghiệp quốc phòng. Trong đó, đấu tranh quốc
phòng là một hoạt động thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiện nay.
Ở đây, không thể hiểu đấu tranh chỉ là sự tiêu diệt lẫn nhau, bài trừ nhau.
Tính đa dạng, phong phú của sự đấu tranh tùy thuộc vào tính chất của các mối
quan hệ, phụ thuộc vào lĩnh vực tồn tại, vào điều kiện trong đó diễn ra cuộc
đấu tranh. Khái niệm đấu tranh quốc phòng ở đây muốn diễn tả tính chất mềm dẻo,
uyển chuyển linh hoạt và chắc chắn không đồng nhất với đấu tranh vũ trang hoặc
đấu tranh quân sự. Cùng nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc về mọi mặt, nhưng trong khi đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự phải
dùng đến vũ trang, sử dụng biện pháp quân sự trực tiếp thì đấu tranh quốc phòng thường dùng phương thức
đối thoại để thuyết phục đối phương nhằm đạt được mục đích mà chưa phải dùng
đến vũ trang , quân sự. Nhưng tất cả đều phải lấy sức mạnh tổng hợp của
đất nước làm áp lực; đặt đối phương vào tình thế nếu không chịu chấp nhận thì
sẽ hứng chịu những thiệt hại lớn. Đấu tranh quốc phòng nhất thiết phải diễn ra
trong thời bình, khi chưa xảy ra chiến tranh. Trong hoàn cảnh đất nước chưa thể
giải quyết mọi khác biệt về lợi ích với một số nước và tổ chức quốc tế; đấu
tranh quốc phòng phải trở thành những hoạt động thường xuyên về mọi mặt của sự
nghiệp phòng thủ quốc gia, mỗi khi chủ quyền đất nước bị bất cứ đối tượng nào
xâm phạm, hoặc về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, hoặc về biên giới, hải
phận, không phận ...
Đấu tranh quốc phòng về nội hàm cũng không
đồng nhất với các khái niệm đấu tranh kinh tế, đấu tranh chính trị, đấu tranh
tư tưởng là những khái niệm phản ánh sự đấu tranh trên từng mặt của đời sống
vật chất và tinh thần của xã hội, chúng có liên quan đến quốc phòng. Nhưng, dấu
hiệu cơ bản của đấu tranh quốc phòng không trùng với nội
hàm của các khái niệm này. Đối
ngoại quân sự là hoạt động có nhiều dấu hiệu có liên quan đến đấu tranh quốc
phòng. Tuy vậy, đấu tranh quốc phòng cũng khác các hoạt động đối ngoại quân sự, hoạt động đối ngoại quân sự nhằm làm
cho các quốc gia, dân tộc ngày càng hiểu rõ đất nước và dân tộc Việt Nam; khôi
phục và duy trì mối quan hệ bình thường, hữu nghị với mọi quốc gia, dân tộc,
các tổ chức quốc tế; tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh; mở rộng đối tác,
thu hẹp đối tượng, tạo môi trường thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Còn đấu tranh quốc phòng phải tháo gỡ những tranh chấp cụ thể xảy ra
trong đối ngoại và đối nội. Sự phân biệt này có tầm quan trọng về nguyên tắc.
Bởi vì theo cách nhìn nhận mới và thống nhất về đối tác và đối tượng trong Nghị
quyết Trung ương tám (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới, thì những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập, mở rộng
quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác
của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước
ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của đấu tranh
quốc phòng. Khi đã đặt vào đối tượng đấu tranh quốc phòng, tức là trên quan
điểm chiến lược, ta đã buộc phải coi chủ thể đó thuộc về những thế lực có âm
mưu và hành động chống phá nước ta. Nhưng về mặt vận dụng phương thức đấu
tranh, ta chưa bị đẩy vào thế phải dùng tới biện pháp quân sự, mà vận dụng cách
nhìn biện chứng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc: Trong đối tượng có đối tác, trong đối tác có thể có đối tượng để có đối
sách hợp lý. Chính từ cách nhìn và cách ứng xử khôn khéo, thông minh đó,
nhiều cuộc đấu tranh quốc phòng của ta đã đưa lại hiệu quả, từng bước chuyển
hóa đối tượng thành đối tác, thực hiện tốt phương châm "thêm bạn, bớt
thù", tạo môi trường hòa bình, ổn định, ngày càng thuận lợi cho sự nghiệp
phòng thủ đất nước. Đấu tranh quốc
phòng góp phần ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, hóa giải âm mưu diễn biến hòa
bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Trong thời bình, chúng ta xây
dựng thực lực quân sự đủ mạnh, đồng thời tăng cường củng cố tiềm lực quân sự,
tiềm lực quốc phòng, tạo thế bố trí chiến lược về kinh tế gắn chặt với quốc
phòng để giành ưu thế quân sự , tạo thế răn đe, trấn áp mọi âm mưu, ý đồ xâm
lược hoặc phá hoại, giành quyền chủ động trong mọi tình huống. Có thể nói, đây
là một trong những nội dung quan trọng nhất của đấu tranh quốc phòng. Mọi
hoạt động kể trên, cả trong lịch sử và đương đại, đều diễn ra trên cả hai lĩnh
vực đối nội và đối ngoại. Nhưng không chỉ là các hoạt động nhằm chống giặc
ngoại xâm, nội xâm, cũng không phải chỉ là các hoạt động ngoại giao thông
thường, mà mục đích, đối tượng đấu tranh rộng lớn hơn, từ đó có thể khẳng định,
đích danh tên gọi của những hoạt động đó là đấu tranh quốc phòng. Do đó, đã đến lúc cần thống nhất nhận thức về
dạng đấu tranh đặc biệt này, phân biệt nó với đấu tranh vũ trang, đấu tranh
quân sự, với các hoạt động đối ngoại và củng cố quốc phòng thường trực trong
thời bình. Thống nhất được trong nhận thức thì mới có thể thống nhất trong mọi
hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Với cách tiếp
cận như trên có thể đưa ra một định nghĩa về khái niệm đấu tranh quốc phòng như
sau: Đấu tranh quốc phòng là hình thức đấu tranh trong thời bình cả đối nội và
đối ngoại, diễn ra thường xuyên, mang
tính tổng hợp, bằng các biện pháp phi vũ trang, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm
mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc nhằm phòng thủ đất
nước. Với định nghĩa này, khái niệm đấu tranh quốc phòng được thể hiện qua các
dấu hiệu chủ yếu sau:
Trước
hết, xét về mặt không gian và thời gian, đấu tranh quốc phòng là hình thức đấu
tranh diễn ra trong thời bình, vào khoảng thời gian đất nước đang trong trạng
thái hòa bình. Đấu tranh quốc phòng bao gồm cả đấu tranh trong đối nội và cả
đấu tranh trong đối ngoại, diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc trong mọi hoạt động
của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Thứ
hai, xét về tính chất, đấu tranh quốc phòng diễn ra thường xuyên, có tính chất
tổng hợp, gồm tổng thể các hoạt động của cả nước về xây dựng tiềm lực quốc
phòng, về các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, ngoại giao...
Nếu đấu tranh vũ trang, đấu tranh quân sự chỉ diễn ra trong thời điểm đất nước
có chiến tranh, khi các thế lực trực tiếp can thiệp bằng vũ trang, thì đấu
tranh quốc phòng lại diễn ra thường xuyên trong suốt thời gian hòa bình, không
một phút giây lơi lỏng. Trong một thế giới phức tạp, đầy mâu thuẫn, chứa đựng
nhiều nguy cơ khó lường, thì vấn đề đấu tranh quốc phòng như là một vấn đề tất
yếu, phải được quan tâm thường xuyên.
Thứ
ba, động lực của đấu tranh quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống
chính trị, của các lực lượng, trên tất cả các mặt hoạt động của đất nước. Trong
đó, xây dựng tiềm lực quân sự, tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền công nghiệp
quốc phòng, tăng cường thế bố trí kinh tế - quốc phòng là một trong những nội
dung quan trọng nhất. Đấu tranh quốc phòng phải tạo nên sức mạnh toàn diện,
tổng hợp, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang làm nòng
cốt.
Thứ tư, về nội dung và hình thức, biện pháp đấu tranh, thì
đấu tranh quốc phòng bằng các biện pháp phi vũ trang, không sử dụng trực tiếp
vũ lực. Đấu tranh quốc phòng là một cuộc đấu trí và đấu lực lúc thì công khai,
lúc thì ngấm ngầm, lúc thì nhún nhường, lúc thì răn đe, lúc thì mềm mỏng, lúc
lại quyết liệt. Mặc dù đấu tranh quốc phòng không sử dụng vũ lực, nhưng đằng
sau nó là cả một sức mạnh vũ lực hùng hậu, cả một lực lượng vũ trang hùng mạnh,
cả một nền quốc phòng vững chắc của một chế độ chính trị xã hội ổn định, toàn
dân đồng thuận một lòng, một dạ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ. Tăng cưòng giáo
dục quốc phòng cho toàn dân, làm cho tất cả mọi người, các ngành, các cấp nhận
thức sâu sắc về công cuộc phòng thủ đất nước, dù ở đâu, làm bất cứ việc gì cũng
luôn nghĩ đến công việc bảo vệ Tổ quốc. Đi đôi với giáo dục ý thức quốc phòng,
cần đấu tranh với những hiện tượng hòa bình chủ nghĩa, lơ là mất cảnh giác cách
mạng, chỉ chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế, không chú ý đến kết hợp kinh tế
với quốc phòng. Một đất nước được chuẩn bị đầy đủ mọi mặt như thế luôn sẵn sàng
có câu trả lời đích đáng dành cho những kẻ có dã tâm xâm lược, sẽ làm thất bại
mọi âm mưu, ý đồ phá hoại của chúng. Đó cũng chính là những nội dung và hình
thức quan trọng của đấu tranh quốc phòng hiện nay.
Thứ năm, về mục đích, đấu tranh quốc phòng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp phòng
thủ đất nước, giữ cho đất nước luôn trong trạng thái hòa bình, ổn định, luôn
giữ vững được an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, đẩy lùi, ngăn chặn được các hoạt
động gây chiến của kẻ thù và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi
hình thức, quy mô. Đấu tranh quốc phòng góp phần tích cực bảo vệ Tổ quốc xã hội
chủ nghĩa từ xa trong mọi tình huống./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét