· Để văn hóa đảm nhận đúng, đủ, tốt trọng trách "phải soi đường cho quốc dân", theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nền văn hóa dân tộc và con người mới cần được, cần phải được xây dựng và phát triển, phù hợp với thời đại. Lịch sử nhân loại cũng đã cho thấy giá trị của văn hóa đối với mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình phát triển là không thể phủ nhận. Vì thế, trong quá trình kiến thiết và bảo vệ nền cộng hòa dân chủ, dù phải tập trung cho nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ, song Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam) vẫn đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam mới. Theo chỉ dẫn của Người, trước hết "phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với Việt Nam độc lập" bằng cách đẩy mạnh thực hiện công cuộc tiêu diệt "giặc dốt", nâng cao dân trí để mỗi người dân hiểu được quyền lợi và bổn phận của mình; bằng cách xây dựng nền văn hóa, văn nghệ chân chính phục vụ nhân dân; bằng cách xây dựng đời sống mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu; xây dựng con người mới; đồng thời, phải "sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới"; trong đó, "văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Tư tưởng của Người không chỉ nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, ngang với các lĩnh vực trọng yếu khác; cảnh báo, phê phán việc, bệnh coi nhẹ lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa như lĩnh vực phụ, ăn theo các lĩnh vực khác, không thấy vai trò nền tảng, vai trò sáng tạo, dẫn dắt, "soi đường" của văn hóa mà còn cho thấy kinh tế, chính trị cũng phải nằm trong văn hóa, chịu sự tác động của văn hóa.
Cụ thể, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nền văn hóa mới
của dân tộc có mối liên hệ mật thiết với chính trị, cho nên trong quá trình xây
dựng nền cộng hòa dân chủ, thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc,
mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây
dựng nền văn hóa của dân tộc đều phải góp phần xác lập giá trị cốt lõi của một
nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản; đều phải hướng đến mục tiêu vì con người - coi con người vừa là
chủ thể vừa là trung tâm của sự phát triển… Đặc biệt, nền văn hóa dân tộc mới
được xây dựng phải hoàn thành trọng trách "làm thế nào cho văn hóa vào sâu
trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười
biếng, phù hoa, xa xỉ… Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ,
độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần
vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình". Cùng với
đó, phải: "Xúc tiến công tác văn hoá để đào tạo con người mới và cán bộ
mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích
thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những
truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa
tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc,
khoa học và đại chúng". Đây chính là mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc
và con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt
Nam. Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa
ở Việt Nam.
Bước vào thời kỳ cả nước cùng
đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền
Nam, thống nhất Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn tiến lên chủ nghĩa
xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn
hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế
phải đi trước. Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và
văn hóa của nhân dân”, để văn hóa vừa "soi đường cho quốc dân đi" vừa
"phải thiết thực phục vụ nhân dân". Cụ thể, Người nhấn mạnh yêu cầu
phải xây dựng văn hóa dân tộc mà trong đó, "nội dung văn hóa phải có ý
nghĩa giáo dục… phải giáo dục thế nào là đời sống mới, thế nào là đạo đức cách
mạng…Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất… Tóm lại, để phục vụ sự nghiệp
cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hoá phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân
tộc về hình thức". Đồng thời, Người cũng chỉ rõ yêu cầu “muốn xây dựng chủ
nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ
nghĩa. Phải đánh bại những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa
cá nhân…phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo về của công,
chống tham ô, lãng phí". Những con người xã hội chủ nghĩa có tư tưởng và
đạo đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ bản thân, gia đình,
xã hội và thiên nhiên; có tác phong xã hội chủ nghĩa và lòng nhân ái, vị tha,
độ lượng… chính là chủ thể sáng tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời cũng
là chủ thể sáng tạo văn hóa/nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đó là những người
phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư và không ngừng học tập ở nhà trường, trong sách vở và học lẫn nhau
để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật nhằm phụng sự Tổ quốc, phục
vụ nhân dân; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa
gắn với chính trị, kinh tế và ổn định xã hội cho thấy, vật chất và tinh thần là
hai mặt của đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng. Một
quốc gia/dân tộc không thể phát triển ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng
tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên, thậm chí hy sinh các giá trị văn hóa. Cho nên,
trong khi chú trọng phát triển kinh tế để xây dựng nền tảng vật chất của xã
hội, đáp ứng nhu cầu không ngừng nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, Đảng
và Nhà nước Việt Nam cũng luôn chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa xã
hội chủ nghĩa, xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Vận dụng sáng
tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, xây dựng nền văn hóa dân tộc và con người
Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, khi cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc kết thúc thắng lợi, cả
nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI ngày
28/11/1987 đã khẳng định văn hóa “là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng
và văn hóa là một động lực mạnh mẽ đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội… góp phần thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, giữ vai
trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 5
khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc" ngày 16/7/1998 đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng
tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội". Vì thế, "xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm
mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện.
Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế.
Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên
mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành
nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng tại Đại hội XI đã tiếp
tục khẳng định yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,
phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng và đó là một “nền văn hóa thấm
nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết
chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần
vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Để đưa đất nước phát triển nhanh
và bền vững, Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con
người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9/6/2014 đã
nêu rõ yêu cầu phải tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn
hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên tinh
thần vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cộng đồng các
dân tộc Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, để văn hoá thực sự là
nền tảng tinh thần của xã hội… Cùng với đó, phải “phát triển văn hóa vì sự hoàn
thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong
xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối
sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung
thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
Trong bối cảnh đổi mới hội nhập toàn diện, Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm "phát triển văn hóa là nền tảng tinh
thần"; nêu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là “khơi dậy khát vọng phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con
người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…
nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”; đồng
thời, nhấn mạnh yêu cầu "phát triển con người toàn diện và xây dựng nền
văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt
Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ
Tổ quốc".
Vậy là, có thể thấy, 75 năm sau
khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng "số phận dân ta là ở trong tay
dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", dưới sự lãnh đạo của
Đảng, nền văn hóa dân tộc Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam đã được
chăm lo xây dựng và phát triển trên tinh thần bồi tụ, tích hợp, phát triển cùng
chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; được kế thừa, phát huy giá
trị tích cực, tốt đẹp của truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa
nhân loại, thời đại. Trước thời cơ, thuận lợi và thách thức do bối cảnh toàn
cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, bản sắc, cốt cách,
bản lĩnh của chiều sâu văn hóa dân tộc và con người Việt Nam vừa truyền thống
vừa hiện đại, luôn tiếp biến và hoàn thiện nhân cách, luôn làm giàu tri thức,
năng động, sáng tạo, đổi mới đã thực sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội
sinh quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước.
75 năm được chú trọng xây dựng
và phát triển, con người Việt Nam có trí tuệ và bản lĩnh, có văn hóa và đạo
đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn
năm của dân tộc, được giác ngộ, tổ chức và phát huy đã trở thành động lực của
cách mạng; đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiến
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với thời gian, các yếu tố văn hóa trong mỗi
con người, mỗi cộng đồng dân tộc và của cả quốc gia/dân tộc như: chủ nghĩa yêu
nước và các giá trị chân- thiện- mỹ; tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, bao
dung nhân ái… và sự tự lực, tự cường, ý chí vươn lên khi đối diện cùng khó
khăn, thử thách tiếp tục được đắp bồi, được phát huy, khẳng định trong từng
giai đoạn lịch sử đã góp phần làm nên những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Tiếp tục để chỉ dẫn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" đồng hành cùng
dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trên hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội, cả
hệ thống chính trị cùng phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm
quan trọng của văn hóa, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời
kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong triển khai thực hiện, các cấp
ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng cần chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng
và hệ thống chính trị gắn với xây dựng con người và hệ giá trị con người Việt
Nam mới; gắn xây dựng văn hoá với xây dựng kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng
trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, chú trọng xây dựng môi trường văn hoá lành
mạnh, phát triển văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá
dân tộc gắn với tăng cường hợp tác quốc tế về văn hoá đồng bộ với sự phát triển
nhanh, bền vững của kinh tế - xã hội; phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu
cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của điều kiện bên trong và bên
ngoài, nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hài hòa và cân đối. Tiếp tục
tăng cường các nguồn lực, phương tiện cho hoạt động văn hoá, bảo đảm phát triển
văn hoá đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, hình thành nền tảng tinh thần vững
chắc cho xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu trong đời sống xã hội; làm cho đạo
đức, lối sống và những giá trị của con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa hiển
hiện sinh động tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói chung, trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và các tầng lớp nhân
dân nói riêng, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét