CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Nhận diện, lật tẩy một số chiêu trò của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”


Tên chính thức và đầy đủ hiện nay của hội thánh này là “Hội thánh của Đức Chúa Trời, Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”, nguồn gốc tại Hàn Quốc, do Ahn Sahng Hong thành lập vào năm 1964. Khi thành lập tổ chức này mang tên “Hội thánh của Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su”.


Vì Hội thánh giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Thiên Chúa giáo nói chung như không công nhận lễ Giáng sinh, tin có Đức Chúa Trời Cha (hiện thân là Đấng Ahn Sahng Hong), tin có Đức Chúa Trời Mẹ (hiện thân là bà Jang Gil-ja). Vì vậy, xét về Thần học phần lớn các tổ chức Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Tin lành đều cho đây là giáo phái tà giáo.
Việc tin có Đức Chúa Trời Mẹ được xem là báng bổ Kinh thánh nên đa số các tổ chức Tin lành gọi đây là giáo phái tà giáo và gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” để phân biệt với các tổ chức có tên gọi tương tự nhưng thuộc Tin lành.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đưa ra các đặc điểm nhận diện Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, bao gồm: Nữ trùm khăn ren trắng; Không sử dụng Thánh giá; Duy trì sinh hoạt tôn giáo vào ngày thứ Bảy (bắt buộc); Tin có Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã hiện thân vào Đấng Ahn Sahng Hong; Tin có Đức Chúa Trời Mẹ và hiện thân là bà Jang Gil-ja (còn sống, là Giáo chủ tại Tổng hội Hàn Quốc).
Khi cầu nguyện, những người theo đạo này cầu khẩn với Đấng Ahn Sahng Hong hoặc Đức Chúa Trời Cha Mẹ, hoặc Cha, Mẹ; Nơi sinh hoạt tôn giáo gọi là Si-on. Trong Si-on thường treo ảnh ông Ahn Sahng Hong và bà Jang Gil-ja; Không công nhận lễ Giáng sinh.
Ngoài lễ Sabat diễn ra vào thứ 7 hàng tuần, trong năm có 7 lễ gồm: Lễ vượt qua, Lễ bánh không men, Lễ Phục sinh, Lễ Ngũ tuần, Lễ Kèn thổi, Lễ Chuộc tội và Lễ Lều tạm.
Bảy lễ này được chia làm 3, gồm thời kỳ của Đức Chúa Cha: 2 lễ đầu + lễ Sabat, thời kỳ của Đức Chúa Giê-su: 2 lễ tiếp theo, thời kỳ của Đức Thánh linh: 3 lễ sau cùng. Tên của các lễ được trích dẫn từ Kinh thánh, trong đó một số lễ giống Tin lành như: lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Bánh không men chính là lễ tiệc thánh.
Về lễ vật: để tượng trưng cho máu và thịt Chúa, họ dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men (nước ép nho và bột mì mua trên thị trường tự do).

Hoạt động tà đạo, trái pháp luật
Du nhập Việt Nam từ năm 2001, đến nay, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” lan rộng trên 20 tỉnh, thành. Vươn vòi khắp nơi, bằng những chiêu trò mê tín dị đoan quái đản, các đối tượng cầm đầu, “chấp sự” của hội thánh mặc sức dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia. Họ thường tổ chức theo nhóm khoảng 2 người đến các trường học, công viên hoặc các nơi công cộng để tuyên truyền, rao giảng giáo lý tà đạo, làm cho người bị lôi kéo rơi vào trạng thái mê hoặc.
Thủ đoạn hoạt động của tổ chức này là thường tìm đến các địa phương thuê nhà trọ, nhà nghỉ bình dân và núp dưới các hình thức như bán hàng online, kinh doanh các thiết bị điện, đồ gia dụng, máy lọc nước, làm từ thiện… để tiến hành các hoạt động lôi kéo, thuyết phục người dân tham gia.
Đối tượng bị lôi kéo chủ yếu là phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên hoặc những người nhẹ dạ cả tin, có hoàn cảnh gia đình éo le, bất hạnh trong cuộc sống.
Hầu hết những người bị lôi kéo tham gia vào “Hội thánh Đức chúa trời” đều được các đối tượng rao giảng với luận điệu duy tâm, phản khoa học, đồng thời phản bác những lời răn dạy của bố mẹ, anh chị em trong gia đình, trái với thuần phong mỹ tục.
Ngoài ra, các đối tượng này sẽ cho những người tham gia ăn bánh mỳ và uống nước một thứ nước màu đỏ khiến nhiều người rơi vào trạng thái không tỉnh táo. Đối với những ai có ý định bỏ ngang, những thành viên thuyết giảng sẽ dùng những hình phạt như “nằm trong chảo dầu”, “bị đày đọa đau khổ” khi chết, khiến nhiều người nhẹ dạ sợ hãi và nghe lời răm rắp.
Không chỉ có những tác động về tâm lý, nhiều kẻ cầm đầu còn có những chiêu thức tinh vi hơn như hỗ trợ về kinh tế (thuê nhà cho sinh viên ở xa, hỗ trợ tiền sinh hoạt) nhằm chiếm được lòng tin, sau đó, lôi kéo các sinh viên này tham gia Hội. Thậm chí, một số đối tượng còn đưa ra những mức thưởng bằng vật phẩm hoặc tiền cho những ai lôi kéo được người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia vào hội.
Với những chiêu thức đó, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của “Hội thánh Đức Chúa trời”, trong đó có không ít người là giáo viên, cán bộ về hưu, nông dân, học sinh, sinh viên…
Nhiều người vì tin vào loại “tà đạo” này, mà đã đập bỏ bàn thờ ông bà, tổ tiên, gia đình rơi vào cảnh ly tán; học sinh, sinh viên thì bỏ học, bỏ làm để đi theo tà đạo, tụ tập dụ dỗ, lôi kéo người khác, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và làm những điều trái với thuần phong mỹ tục.
 Kiên quyết loại bỏ
Trước lo lắng của người dân về hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, tại buổi tiếp xúc cử tri Thành phố Cần Thơ mới đây, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định các vấn đề về tự do tôn giáo đã được thể chế hóa trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Do vậy, tất cả tôn giáo hoạt động phải chấp hành pháp luật. “Chúng ta kêu gọi mọi người nâng cao nhận thức, tránh xa những lời tuyên truyền, xúi giục của các đối tượng trong hội này”.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Sinh viên Việt Nam cũng như nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã ra các thông báo, yêu cầu cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh không được tham gia các tổ chức tôn giáo chưa được pháp luật cho phép hoạt động, nhất là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đang nhắm vào môi trường học đường. Riêng tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) - Công an Hà Nội triển khai các biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn sinh viên, học sinh bỏ học theo tà đạo.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng vừa có văn bản gửi Công đoàn cấp sở, các trường đại học, cao đẳng, đề nghị chủ động tuyên truyền, kịp thời ngăn chặn, không để giáo viên, sinh viên, học sinh bỏ dạy, bỏ học tham gia các hoạt động tôn giáo phi pháp.
Liên quan đến “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, Đảng và Nhà nước luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng cho đồng bào. Tuy nhiên, chúng ta cũng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mĩ tục, đạo đức, lối sống; ứng xử thô bạo với tín ngưỡng truyền thống, trái truyền thống thờ cúng ông bà. Những tổ chức, cá nhân lợi dụng tự do tôn giáo để tuyền đạo trái phép, gây phương hại đến nhân dân, làm mất an ninh, trật tự xã hội thì phải kiên quyết loại bỏ. 
Kim Nguyễn - LL

0 nhận xét: