Cho
đến nay, trên bình diện thế giới, nhận thức về những vấn đề an ninh phi truyền
thống (ANPTT) có sự chuyển biến tích cực, nhưng chưa thật sự thống nhất. Theo
quan niệm của Liên hợp quốc, những thách thức từ ANPTT trong các thập kỷ đầu
của thế kỷ XXI bao gồm 4 vấn đề: môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, dịch
bệnh và khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, có những nghiên cứu khác lại quy ANPTT vào
5 lĩnh vực (kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa), hoặc thành 6
nhóm (ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tội phạm, khủng bố, dịch
bệnh và thảm họa địa chất), thậm chí gồm 10 mối đe dọa (khủng
bố, ma túy, hải tặc, rửa tiền, tin tặc, thảm họa môi trường, dịch bệnh,
buôn bán người, di cư bất hợp pháp và cực đoan tôn giáo).
Có nhiều cấp độ diễn ra về an ninh phi
truyền thống có thể tác động sâu sắc đến quốc phòng của đất nước và
khi các tác động đó lớn đến mức không thể kiểm soát được hoặc xử lý không hiệu
quả sẽ tạo thành nguy cơ cho quốc phòng, bước đầu có thể khái quát
thành 3 nguy cơ chính sau:
Thứ
nhất, làm suy giảm sức mạnh quốc phòng của đất
nước. Sức mạnh quốc phòng Việt Nam (QPVN) là sức mạnh tổng hợp
của quốc gia, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của sự gắn
kết chặt chẽ giữa tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng của cả nước.
Vì thế, những tác động làm giảm khả năng huy động cũng như khả năng phát huy
các yếu tố tiềm lực quốc gia đã ảnh hưởng lớn tới sức mạnh quốc phòng của đất
nước. Với tiềm lực chính trị - tinh thần, nó tác động tạo tâm lý hoang mang,
làm suy giảm ý chí, quyết tâm và lòng tin của nhân dân đối với chế độ; đồng
thời, có thể làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, nhất là giữa các tầng lớp dân cư.
Với tiềm lực kinh tế, tác động từ ANPTT sẽ làm kìm hãm, thậm chí phá hoại sự
phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn trong việc kết hợp kinh tế với quốc
phòng và mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế; làm suy giảm đáng kể khả năng dự
trữ và huy động cơ sở vật chất từ nền kinh tế cho các nhiệm vụ quốc phòng cũng
như khả năng đầu tư cho quốc phòng nói chung, cho hiện đại hóa quân đội
nói riêng. Hơn thế, tác động của ANPTT còn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ứng
dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào lĩnh vực quốc phòng, chất lượng xây
dựng lực lượng và thế trận quốc phòng cũng như xây dựng các khu vực phòng thủ,
công trình quốc phòng, nhất là sự tàn phá do thảm họa, thiên tai gây ra.
Thứ
hai, gây mất ổn định của quốc gia. Mục tiêu tập trung nhất của
QPVN là phải giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, tạo
điều kiện cơ bản để giải quyết thắng lợi các tình huống về quốc phòng. Thực
tiễn cho thấy, mất ổn định đất nước do nhiều nguyên nhân; trong đó, tác động từ
ANPTT là một trong những nguyên nhân quan trọng, khó lường. Hậu quả từ ANPTT có
thể gây ra mất ổn định đất nước trên nhiều lĩnh vực, như: chính trị, kinh tế,
văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại, v.v. Trong đó, tác
động từ tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo,
khủng bố và tội phạm ma túy,... sẽ có tác động trực tiếp làm kìm hãm phát triển
kinh tế, gia tăng đói nghèo. Từ đó, làm thay đổi kết cấu xã hội, mâu thuẫn nội
bộ gia tăng, tạo tâm lý bất bình, chống đối của dân chúng đối với chính quyền,
gây khủng hoảng xã hội trầm trọng. Ngoài ra, tác động của an ninh thông tin với
các biểu hiện là “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh mạng” cũng tạo ra nguy
cơ mất ổn định đất nước. Đặc biệt hiện nay, an ninh thông tin có thể gây
rối loạn hệ thống mạng của đất nước, dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống
điều khiển quốc gia; tạo ra các luồng thông tin xuyên tạc, bóp méo sự
thật, gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo, làm mất lòng tin của nhân dân, dẫn đến sai
lệch định hướng của quốc gia. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh
chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích
động gây rối, biểu tình, bạo loạn, làm mất ổn định đất nước, tạo cớ can thiệp
từ bên ngoài.
Thứ
ba, tác động hình thành nguy cơ xung đột và chiến tranh. Xét
về tổng thể, nguy cơ xung đột và chiến tranh được hình thành từ nhiều nguyên
nhân, cả chủ quan và khách quan, cả bên trong và bên ngoài; trong đó có các
nguyên nhân từ tác động của ANPTT, nhất là từ khủng bố, tội phạm xuyên quốc
gia, ma túy, xung đột dân tộc, sắc tộc và khai thác tài nguyên, v.v. Vì
vậy, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh đến với nhiều quốc gia
thực chất là ngăn chặn, đối phó với các thách thức ANPTT và đây được coi là một
trong những mục tiêu cơ bản của QP-AN mỗi nước. Trên thực tế, hai cuộc
chiến tranh tại I-rắc (năm 1991, 2003) xét cho cùng cũng có nguyên
nhân từ nguồn lợi dầu lửa; chiến tranh Nam Tư xảy ra từ xung
đột dân tộc, sắc tộc; chiến tranh Áp-ga-ni-xtan xuất phát từ chống khủng
bố. Đối với Việt Nam, nguy cơ xung đột và chiến tranh từ tác động của ANPTT có
thể ít xảy ra nhưng không thể không dự báo. Hiện nay, các loại tội phạm về an
ninh mạng, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội rửa tiền và các loại tội phạm
trên lĩnh vực thương mại, đầu tư,... vẫn diễn biến phức tạp và là một trong
những nhân tố gây mất ổn định, nhất là trên các tuyến biên giới, có thể làm tổn
hại tới quan hệ với các nước. Điều đó cho thấy, nguy
cơ từ ANPTT tác động đến QPVN không chỉ từ các vấn đề trong
nước mà còn từ các vấn đề khu vực và thế giới, cần được coi trọng và kiểm soát
có hiệu quả.
Từ
phân tích trên cho thấy, nguy cơ do ANPTT gây ra có mối quan hệ chặt chẽ với
nhau, tác động tổng hợp trên các lĩnh vực; trong đó, QP-AN là lĩnh vực trọng
yếu, chịu sự tác động lớn. Vì vậy, đẩy mạnh việc nghiên cứu, dự báo để kiểm
soát và đối phó có hiệu quả nguy cơ từ ANPTT tác động đến QPVN là vấn đề cấp
thiết, mang tầm chiến lược, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của
các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng;
trong đó, có thể tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng
viên, học viên, các cấp, ngành và toàn dân về ANPTT và những tác động của nó
đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có QP-AN. Trên cơ sở đó nâng cao cảnh
giác, trách nhiệm trong phòng, chống, khắc phục hậu quả, nhằm hạn chế đến mức
thấp nhất các tác động tiêu cực từ ANPTT, giữ vững sự ổn định để phát triển đất
nước.
2.
Chủ động làm tốt công tác dự báo, nhất là dự báo về các thảm họa, thiên tai có
thể xảy ra; từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả
và tổ chức luyện tập, diễn tập theo các phương án đã được phê duyệt. Coi trọng
đầu tư, chuẩn bị cả về con người và phương tiện hiện đại cho nhiệm vụ đối phó
với thách thức ANPTT, bảo đảm có lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực
lượng rộng rãi; luôn nắm vững tình hình, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống
xảy ra.
3.
Đẩy mạnh xã hội hóa việc đối phó với các thách thức ANPTT theo hướng: huy động
rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,... tham gia. Đồng
thời, có sự phân cấp rõ ràng cho các cấp, ngành, địa phương trong tổ chức lực
lượng của toàn dân và huy động cơ sở vật chất tại chỗ, kết hợp với cơ động lực
lượng, phương tiện từ nơi khác đến, nhằm bảo đảm đối phó kịp thời, hiệu quả.
4.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương và lực lượng trong ứng phó
với các thách thức ANPTT trên từng địa bàn, khu vực và phạm vi cả nước. Trong
quá trình thực hiện, phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, bảo
đảm luôn thống nhất và thông suốt, coi đó là điều kiện tiên quyết thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.
C.V.T.Giảng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét