“Phi chính
trị hóa” quân đội ta là một âm mưu, một trọng điểm trong tổng thể chiến lược
“Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch. Cốt
lõi trong âm mưu chống phá quân đội ta của các thế lực thù địch là chống phá
vào cái “gốc” chính trị của quân đội - chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam với
những vấn đề cơ bản là phá hoại nền tảng tư tưởng của quân đội, phủ định sự
lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xuyên tạc, phủ định mục tiêu, lý tưởng và
bản chất, truyền thống của quân đội ta, phá hoại mối quan hệ đoàn kết giữa quân
đội với nhân dân, lôi kéo quân đội ta tham gia liên minh quân sự, phá hoại tình
đoàn kết quốc tế và khống chế các mối quan hệ hợp tác giữa quân đội ta với quân
đội các nước.
Trong thực
tiễn, các thế lực thù địch dùng nhiều chiêu thức, với nhiều giọng điệu khác
nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực diện chống phá, khi thì
như là “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” của mình đối với sự
nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ Quốc, cố gắng “khuyên nhủ” chúng ta phải
làm theo cách này hay cách khác. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch
ra sức tuyên truyền quan điểm quân đội chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần
đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào, lực lượng chính trị nào. Để nhấn mạnh
thêm các luận điểm trên, chúng còn đặt vấn đề quân đội ta cần phải tuyệt đối
trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc, đề cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên
hết”, “vì quốc gia dân tộc”, “vì nhân dân” trong mục tiêu, lý tưởng chiến đấu
của quân đội. Chúng tỏ ra “thiện chí” kiên trì “khuyên nhủ” chúng ta cần phải
thực hiện “chuyên nghiệp hóa” quân đội càng sớm càng tốt, Việt Nam cần phải
nhìn vào quân đội của các nước khác mà noi theo, cần phải “học tập kinh nghiệm
xây dựng lực lượng vũ trang theo mô hình của quân đội tư sản”[1].
Hiện nay,
âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch không
những được đẩy mạnh ráo riết và tăng cường hơn, mà còn tinh vi, xảo quyệt, nham
hiểm hơn. Chúng không chỉ khoét sâu vào những vấn đề cơ bản, cốt lõi của quân
đội như trước, mà còn chọc vào những vấn đề tưởng chừng rất “đời thường” như
cơm áo, gạo tiền, đời sống, chích sách của quân nhân; không những ảnh hưởng
tiêu cực đến quân đội, mà còn tác động mạnh mẽ đến cả xã hội; không những nguy
hiểm hơn, mà còn khó nhận biết và khó đấu tranh hơn. Với những thủ đoạn như
vậy, nếu chưa thể xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thì cũng
có thể làm cho một bộ phận quân nhân hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo
của Đảng ta, dễ dẫn đến những biểu hiện xem nhẹ sự lãnh đạo của Đảng, nhất là
đối với các tổ chức đảng ở cơ sở. Từ đó, dẫn tới mơ hồ, mất cảnh giác trước
những chiêu thức chống phá của các thế lực thù địch. Vì thế, công tác nghiên
cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cần phải đi sâu nhận diện, chủ động đấu tranh
phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, đồng thời cũng là một yêu
cầu, một nội dung đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong quá trình xây dựng
quân đội về chính trị góp phần tạo ra sức mạnh nội sinh, khả năng và sức “đề
kháng” trước mọi ngón đòn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù
địch. Để nhận diện và đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị
hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch cần chú ý thực hiện tốt một số vấn đề
sau:
Thứ nhất,
cần nhận thức sâu sắc hơn chính trị của quân đội, làm cơ sở vững chắc để nhận
diện, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của
các thế lực thù địch. Đối với bất cứ quân đội nào thì vấn đề chính trị của quân
đội cũng đều là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì thực chất, đó là vấn đề bản chất
giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội. Chính trị của quân đội vô
sản là thực hiện chính trị của Đảng Cộng sản, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa,
phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân, biểu hiện tập trung ở việc thực thi nhiệm vụ
chiến đấu chống giặc, bảo về Tổ quốc. Xây
dựng quân đội về chính trị là một yêu cầu cũng là nguyên tắc cơ bản trong xây
dựng quân đội kiểu mới, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội.
Trong mọi hoàn cảnh, việc xem nhẹ hay buông lỏng nhiệm vụ xây dựng quân đội về
chính trị chính là làm suy yếu, thậm chí làm biến chất quân đội. Hồ Chí Minh
chỉ dẫn: “quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do
Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[2]; trong xây dựng
quân đội “phải lấy chính trị là gốc”; chính trị của quân đội là chính trị của
Đảng Cộng sản, biểu hiện tập trung ở “đánh giặc” và đánh thắng kẻ thù.
Quân đội ta
không có mục đích chính trị tự thân, quân đội ta thực hiện chính trị của Đảng
Cộng sản Việt Nam, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Việc nhận
diện, đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta
của các thế lực thù địch là phải bám chắc, tuân theo, phục tùng và bảo vệ chính
trị ấy.
Thứ hai,
quán triệt sâu sắc và thực hiện tư tưởng của Đảng là phải tích cực, chủ động
tiến công và vạch rõ bản chất, thực chất phản động, phản khoa học và tính chất
nguy hiểm, những tác hại của âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta
mà các thế lực thù địch đang tiến hành. Phải kiên quyết tâm khắc phục những
biểu hiện thụ động, bị động, hoặc chỉ hô hào đấu tranh chung chung, mà trên
thực tế không có hành động gì. Lực lượng đấu tranh phải được tổ chức chặt chẽ
với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất; thường xuyên được bồi dưỡng cả về phẩm
chất chính trị, trình độ và năng lực, dũng khí đấu tranh; nâng cao tính Đảng,
tính chiến đấu, tính khoa học, sự nhạy bén và sắc sảo về lý luận và thực tiễn
đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các
thế lực thù địch.
Thứ ba,
phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng chuyên gia, nhà khoa học trong đấu
tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội. Cần lựa chọn
một số nhà khoa học, nhà lý luận có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên
môn cao, có năng lực đấu tranh để bồi dưỡng, giao nhiệm vụ cụ thể trên các mặt
trận đấu tranh chống "diễn biến hoà bình" và “phi chính trị hóa” quân
đội, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp và lực lượng “mũi nhọn” cần thiết, trên cơ
sở đó nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh. Cần có chính sách rõ ràng phù
hợp cả về vật chất và tinh thần, có cơ chế xuất bản, phát hành rộng rãi những
sản phẩm đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội có
giá trị lý luận và thực tiễn đã được công bố, tạo đà kích thích, làm lan tỏa
cho cuộc đấu tranh chung trong và ngoài quân đội.
Thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng quân đội, đảm bảo cho quân đội ta tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có đủ sức mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong mọi tình huống. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần đặc biệt chú trọng xây dựng quân đội không chỉ giỏi đấu tranh vũ trang mà còn phải thực sự tinh nhuệ trong đấu tranh phi vũ trang, đáp ứng mọi yêu cầu của các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam phải có “thực lực mạnh”, có khả năng “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; “ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[3], làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và hành động phá hoại của các thế lực thù địch; đặc biệt có khả năng giành thắng lợi trong điều kiện kẻ thù liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội. Đó là những vấn đề bức thiết, cơ bản trong sức mạnh chiến đấu và sự vững mạnh về chính trị của quân đội ta hiện nay, mà cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội ta của các thế lực thù địch cần hướng tới và phục vụ hiệu quả.
[1] Ban Tư tưởng - Văn Hóa Trung ương (2005), Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, Hà Nội.
[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn
phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét