CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2022

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 - 1969) (Phần 1)

 

Nhân kỷ niệm 132 năm (19/5/1890 - 19/5/2022) ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin giới thiệu tới các đồng chí và các bạn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.

Người sinh ra trong một gia đình: Bố là một nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân; mẹ là nông dân; chị và anh đều tham gia chống Pháp và bị tù đày. Ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên lên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Hai ngày sau, 05/6/1911 con tàu rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn, nay là TP Hồ Chí Minh) đến Pháp.

Từ năm 1912 - 1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Hồ Chí Minh cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Hồ Chí Minh sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Cuối năm 1917, Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.

Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí Minh đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.

Dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm 1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.

Tháng 11/1924, với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên.

Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Tháng 5/1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Béclin (Đức), đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á.

Từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3-1929, Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân, họp tại ngôi nhà số 5D phố Hàm Long (Hà Nội) đã quyết định lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên nhóm làm đầu tàu cho cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Ở Việt Nam.

Tại Đại hội đầu biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ họp vào cuối tháng 3-1929 trong đồn điền Bô ren (Sơn Tây) đã nhất trí thông qua chủ trương lập Đảng Cộng sản thay cho HVNCMTN đã hết vai trò lịch sử và cử một đoàn đại biểu gồm 4 đồng chí do Trần Văn Cung, Bí thư Kỳ bộ, dẫn đầu đi dự Đại hội I của Hội VNCMTN sẽ họp ở Hương Cảng. Đại hội cũng giao cho đoàn đại biểu của mình có nhiệm vụ  “đấu tranh khẳng định xu thế thành lập Đảng Cộng sản của Kỳ bộ mình tại Đai hội I Hội VNCMTN”. 1 Đầu tháng 5-1929, tại Đại hội I của HVNCMTN, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản. Nhưng đề nghị đó không được chấp nhận, nên Đoàn đã bỏ đại hội ra về.

Sau khi về tới Hà Nội, ngày 1-6-1929, Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ đã ra Tuyên ngôn giải thích lý do họ bỏ Đại hội ra về và chỉ ra những điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi để thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân.

Đêm 17-6-1929, 20 đại biểu ưu tú của Kỳ bộ Bắc Kỳ đã nhóm họp từ ngôi nhà 312 phố Kham Thiên (Hà Nội) tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Hội nghị đã thông qua Tuyên ngôn, Điểu lệ và quyết định xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận của Đảng. Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản đảng xác định rõ tính chất của Đảng : “Đông Dương Cộng sản đảng là Đảng cách mạng, đại biểu cho tất cả anh chị em vô sản giai cấp (tức thợ thuyền) ở Đông Dương. Đảng Cộng sản là đảng bênh vực cho toàn thế giới vô sản giai cấp, nhưng chỉ gồm những người nào giác ngộ cách mạng, tiên tiến hơn cả trong giai cấp vô sản”.

Cùng với công tác tuyên truyền, Đông Dương Cộng sản đảng đã cử người vào Trung Kỳ và Nam Kỳ tuyên truyền và tổ chức các cơ sở Đảng Ở các địa phương đó. Trước ảnh hưởng sâu rộng của Đông Dương Cộng sản đảng, Tổng bộ Thanh niên và Kỳ bộ Nam Kỳ đã quyết định thành lập An Nam Cộng .sản đảng vào tháng 8-1929(7), xuất bản báo ĐỎ làm cơ quan ngôn luận của mình.

Cùng với quá trình phân hóa trong HVNCMTN dẫn tới sự ra đởi của hai tổ chức cộng sản, khuynh hướng tư tưởng xã hội chủ nghĩa ngày càng thắng thế trong Tân Việt Cách mạng đảng. Các đại biểu cấp tiến của Tân Việt đã nhóm họp tại Sài Gòn vào tháng 9-1929, ra “Tuyên đạt” tuyên bố chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn và sẽ cùng Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng “liên hợp thành một tổ chức cộng sản ở Đông Dương để cho sức mạnh cộng sản vững chắc và duy nhất”. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở nửa sau năm 1929 khẳng định hệ tư tưởng cộng sản đã chiếm ưu thế trong phong trào dân tộc ở Việt Nam./.

CĐT-H4

 

0 nhận xét: