CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG - DẤU MỐC QUAN TRỌNG, ĐƯA ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN MỚI

 


Công tác cán bộ được xác định là điểm đột phá, là vấn đề then chốt, là xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng, cũng như thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”.

II - Công tác cán bộ là điểm đột phá

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu bài học kinh nghiệm được đúc rút từ nhiều nhiệm kỳ trước, đó là: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, “công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.

Sở dĩ, công tác cán bộ được xác định là điểm đột phá, là vấn đề then chốt, là xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng, cũng như thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Người khẳng định: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của các chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”(1).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thực tiễn đã khẳng định: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(2).

Tuy nhiên: “Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”(3).

Thật vậy, nhìn vào con số thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vướng vào tham nhũng, tiêu cực; lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước...; hay tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, cho thấy, trong công tác cán bộ của ta thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, bất cập.

Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu công tác cán bộ được tiến hành chặt chẽ thì liệu một số cán bộ có những vi phạm nghiêm trọng trước đó, có thể được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, được Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo hay không?

Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc thì làm sao có việc nhiều người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, thậm chí thăng tiến một cách “thần tốc”? Và nếu như chúng ta có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ, các cơ quan chức năng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, có thể đã ngăn chặn được tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ, hay việc một số người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền để bổ nhiệm người thân, người nhà một cách tràn lan, dẫn đến hiện tượng “cả nhà làm quan” ở một số địa phương?

Những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác cán bộ đã được Đảng ta nhận diện và có nhiều giải pháp khắc phục một cách quyết liệt. Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, quy định về công tác cán bộ, cụ thể là: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền...

Đồng thời, Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Ngay trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không những không “chững lại”, không “chùng xuống” mà còn được thực hiện quyết liệt hơn, bài bản và hiệu quả hơn.

Hiện nay, toàn Đảng đang tập trung chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là vấn đề đang được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm theo dõi, với cả sự kỳ vọng và băn khoăn. Trong khi đó, các phần tử xấu, cơ hội chính trị, thù địch cũng gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, tung tin, bịa đặt, vừa làm nhiễu loạn thông tin, vừa gây nghi kỵ, mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ... thực chất là chống phá Đảng ta với những thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc.

Rõ ràng, công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự Đại hội nói riêng là công việc vô cùng hệ trọng, “có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”, nhưng đây cũng là nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết quan trọng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 27/4/2020: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Bài viết đã phân tích toàn diện, sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nhân sự; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề quan trọng này. Đó là những suy tư, trăn trở đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc.

Để làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: Cách làm phải thận trọng, thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; quy trình phải chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, làm dứt điểm từng khâu, từng công đoạn, làm đến đâu chắc đến đó; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu; trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, tạo ra một tập thể đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh; phải thật sự phát huy dân chủ trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự đi đôi với xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu...

Thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất rõ ràng: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, chạy chức, chạy quyền... Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh: “Để những người đó lọt vào cương vị lãnh đạo là tai họa cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân nhiều hơn”(4).

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta đang rất kỳ vọng công tác nhân sự được tiến hành với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm và nỗ lực lớn của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, với cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ là một tập thể vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, tiêu biểu về trí tuệ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam bước vào một giai đoạn mới, đất nước ta ngày càng phát triển, Nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.

(Còn nữa)

__________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.5, tr.636.

(2), (3) Đảng CSVN, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của BCHTW khóa XII.

(4) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Báo Nhân Dân, ngày 27/4/2020.

PGS.TS Trần Quang Tám

Nguồn: Báo Công an nhân dân

 

0 nhận xét: