CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

ĐẨY MẠNH TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẢNG HIỆN NAY THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

                                          

Hơn 50 năm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người tổ chức, sáng lập và lãnh đạo Đảng ta đã đi xa, song những tư tưởng của Người về tự phê bình và phê bình đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn luôn soi sáng con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, để giũ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê  là hết sức quan trọng và cần thiết.

Sinh thời, Người rất quan tâm đến vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong di sản tư tưởng để lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành khá nhiều trang để bàn về vấn đề này. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là tìm ra những ưu điểm để phát huy, những khuyết điểm, nhược điểm để khắc phục, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ, không ngừng nâng cao chất lượng công tác, giúp cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng ngày một tiến bộ, trưởng thành. “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh thêm. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng. Cho nên đảng viên và cán bộ cần phải nâng cao giác ngộ tư tưởng, ngăn ngừa tự đại tự cao, mạnh dạn công khai tự phê bình, vui vẻ tiếp thụ sự phê bình của người khác”[1]. Tự phê bình và phê bình không phải chỉ để riêng bản thân một tổ chức hoặc cá nhân cán bộ, đảng viên tiến bộ, mà còn giúp cho các tổ chức khác, đồng chí khác học tập, rút kinh nghiệm để cùng tiến bộ. Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, đảng viên cũng là con người và Đảng cũng từ xã hội mà ra, do đó không nên thần thánh hoá Đảng và đảng viên: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng”[2]. Và cách tốt nhất để gột rửa, lọc bỏ những thói xấu đó theo Người, là phải thường xuyên tự phê bình và phê bình ráo riết.

Theo Hồ Chí Minh: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”[3]; “Đảng viên và cán bộ cũng là con người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”[4]. Vì vậy phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để thông qua đó, mỗi người, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận ra khuyết điểm, “tính xấu” của mình và có biện pháp kiên quyết khắc phục nó. Người còn chỉ ra rằng, những “tính xấu” của mỗi cán bộ, đảng viên không những có hại cho bản thân họ, mà còn có hại đến Đảng, đến nhân dân. Bằng ví dụ hết sức mộc mạc, dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những tác hại của thái độ lẩn tránh trách nhiệm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình: “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mính cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”[5].

Đối với tổ chức Đảng, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là phương tiện quan trọng nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong Di chúc của Người đã chỉ rõ: “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[6]. Đoàn kết trong Đảng là đoàn kết thống nhất rất cao, là đoàn kết thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, từ trong lý tưởng đến hành động hàng ngày. Tự phê bình và phê bình sẽ giúp gột rửa, lọc bỏ những sai lệch, những bất đồng và trên cơ sở đó tạo nên sự kết dính, gắn bó hữu cơ trong nội bộ Đảng. Người viết: “muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng tự phê bình và phê bình”[7].

Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình còn là thang thuốc hay nhất để chữa nhiều thứ chứng bệnh, để bồi bổ cho cơ thể của Đảng ngày càng thêm cường tráng; đồng thời, là vũ khí sắc bén giúp Đảng vượt qua mọi hiểm nguy, thách thức: "Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình"[8].

Về cách thức và phương pháp tiến hành tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên. Bởi vì con người ta hôm nay tốt, không có nghĩa ngày mai vẫn cứ tốt; người hôm nay mắc sai lầm, sửa chữa rồi, không có nghĩa ngày mai không thể mắc sai lầm nữa. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên: “mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa"[9]. Phải như thế Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không làm thường xuyên thì khuyết điểm sẽ ngày càng tích tụ nhiều lên, lấn át ưu điểm. Những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách đảng viên, nguyên nhân suy cho cùng là do không thường xuyên tự phê bình và tiếp thu phê bình.

Trong quan hệ giữa tự phê bình và phê bình thì tiến hành tự phê bình mình trước, tự phê là chính, phê bình người sau, phê bình là phụ. Người cách mạng là người tiến hành cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình, song: “Tự mình, không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”[10].

Hồ Chí Minh yêu cầu: “phê bình mình cũng như phê bình người, phải ráo riết, triệt để, thật thà không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”[11]. Con người ta, có làm việc thì có sai lầm, mỗi sai lầm đều gắn với con người cụ thể, nhưng khi phê bình, Hồ Chí Minh lại đặt vấn đề phê bình việc chứ không phê bình người, bởi lẽ: cán bộ, đảng viên ta là những người ưu tú, trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng giao cho, đặc biệt là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, mới mẻ, họ không tránh khỏi những sai lầm khuyết điểm. Theo Bác: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết”[12]. Chính vì vậy khi phê bình là ta phê bình việc làm không tốt của họ chứ không nhằm phê phán con người họ.

Trong bài viết Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng, đăng trong chuyên mục Sửa đổi lối làm việc của báo Sự thật, Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán những quan điểm nhận thức sai lệch về tự phê bình và phê bình. Có người không muốn tự phê bình và phê bình nên đã ngụy biện rằng: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ thì địch sẽ lợi dụng mà công kích, phá hoại ta. Đó là một nhận thức sai lầm. Hồ Chí Minh cho rằng, "Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm"[13].

Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, trong quá trình xây dựng và hoạt động, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình. Đảng ta khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và là ý thức trách nhiệm của đảng với nhân dân. Tự phê bình và phê bình là biện pháp quan trọng để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Đảng, để giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Thực tế, trong nhiều năm qua ở những nơi tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc đã giúp các tổ chức đảng nắm được điểm mạnh, điểm yếu của tập thể mình cũng như của từng cán bộ, đảng viên. Đã góp phần phát hiện những sơ hở, thiếu sót, kịp thời khắc phục sửa chữa và làm rõ một số vụ việc tiêu cực, vi phạm nghiêm trọng để xử lý. Ở những nơi này, tình đồng chí trong nội bộ đoàn kết gắn bó, uy tín của tổ chức đảng đối với quần chúng được nâng cao, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những đồng chí có sai lầm, khuyết điểm đã vươn lên tiến bộ.

 Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ở nơi này, nơi khác, lúc này lúc khác, sinh hoạt tự phê bình và phê bình chỉ còn là hình thức. Một số tổ chức Đảng vẫn sinh hoạt đều đặn, nhưng thực chất lại tước mất linh hồn của các buổi sinh hoạt, đó là không thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ, cho nên tự phê bình và phê bình bị biến thành công cụ để trục lợi cá nhân hoặc trở thành thủ đoạn, phương tiện đấu đá nhau. Đảng viên, cán bộ cấp dưới không những không mạnh dạn, thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, vi phạm của người lãnh đạo, mà còn biến tấu từ khuyết điểm thành ưu điểm. Từ đó tạo ra tâm lý xuê xoa, dễ dãi, né tránh trong tự phê bình và phê bình, làm thui chột tinh thần đấu tranh, phê phán những hành vi tiêu cực trong tổ chức đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Điều nguy hại hơn nữa ở cách tự phê bình và phê bình này là tạo ra môi trường không lành mạnh trong tổ chức đảng, dung dưỡng cho tính không trung thực, tạo điều kiện cho lòng tham, sự ích kỷ của chủ nghĩa cá nhân phát triển. Điều này cũng lý giải vì sao ở nhiều địa phương, đơn vị, cơ quan vừa qua tỷ lệ đảng viên và tổ chức đảng được xếp loại trong sạch vững mạnh khá cao, nhưng các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng không giảm, thậm chí có nơi, có cán bộ, đảng viên vi phạm nghiêm trọng phải đưa ra xét xử trước pháp luật. Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “…tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt, thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh”.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong Đảng cần tập trung thực hiện tốt những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là, phải đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối của Đảng. Đó chính là căn cứ để mỗi cán bộ, đảng viên kiểm tra lại công việc của mình, tư cách và năng lực của mình. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình với phê bình; kết hợp chặt chẽ giữa phê bình từ trên xuống và phê bình từ dưới lên. Bên cạnh đó, tự phê bình của Đảng phải gắn chặt với phát huy sự giám sát phê bình của nhân dân. Thực hiện chế độ cán bộ, đảng viên tự phê bình trước dân, lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho công tác xây dựng đảng, cho đảng viên.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình để họ hiểu rõ vị trí, vai trò, sự cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động đó và nắm vững cách thức, phương pháp tiến hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên quyết duy trì, thực hiện nghiêm túc nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chống mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội thực dụng, cục bộ bè phái, mất đoàn kết.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng về tự phê bình và phê bình, nhất là những người có thái độ thành kiến, trù dập người phê bình; phải có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, phải có biện pháp buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với giữ kỷ luật nghiêm minh, kiên quyết xử lý, loại trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng những phần tử không còn tư cách người đảng viên.

Để thực hiện những giải pháp trên, điều quan trọng là cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, phải thấm nhuần sâu sắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Coi đó vừa là một phẩm chất đạo đức của người đảng viên, cán bộ, vừa là một biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định, giúp cho họ ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Người, còn góp phần giải quyết thấu đáo các vấn đề nảy sinh về tư tưởng, đạo đức, lối sống một cách kiên quyết, ráo riết nhưng thiết thực, có lý có tình, không rơi vào tình trạng đối kháng, đao to búa lớn, do đó mà đạt hiệu quả cao; là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.

         N.X.T-H1



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2011,  tr.575.

[2] Sđd, tập 5, tr.262-263.

[3] Sđd, tập 4, tr.166.

[4] Sđd, tập 5, tr.254.

[5] Sđd, tập 5, tr.261.

[6] Sđd, tập 12, tr.510.

[7] Sđd, tập 7, tr.492.

[8] Sđd, tập 9, tr.289.

[9] Sđd, tập 5, tr.233.

[10] Sđd, tập 6, tr.211.

[11] Sđd, tập 5, tr.232.

[12] Sđd, tập 5, tr.283.

[13] Sđd, tập 5, tr.284.

0 nhận xét: