Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc lịch
sử Đảng không những là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả cách mạng
mà còn là bảo vệ uy tín của Đảng đối với nhân dân và củng cố niềm tin của nhân
dân vào Đảng, chế độ.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện
những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về lịch sử Đảng, phủ nhận
nền tảng tư tưởng của Đảng; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa
Mác-Lênin; kêu gọi từ bỏ lý tưởng cộng sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt Nam. Chúng còn xuyên tạc Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của
Đảng; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi đổi tên Đảng, kêu gọi “đa nguyên
chính trị”, “đa đảng đối lập”; phủ nhận thắng lợi, thành tựu cách mạng Việt
Nam; thổi phồng sai lầm, khuyết điểm của Đảng; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước ta;...
Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc
biệt là thanh niên, sinh viên cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về lịch sử Đảng để
“tự miễn dịch” trong lập trường, quan điểm chính trị và tích cực tham gia đấu
tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các tổ chức cơ sở
Đảng, MTTQ, các đoàn thể, hội sinh viên cần tăng cường tổ chức hội thảo, tọa
đàm; xây dựng chuyên đề lồng ghép vào sinh hoạt thường kỳ, câu lạc bộ, đội,
nhóm; tổ chức các cuộc thi, diễn thuyết, kể chuyện về tấm gương cán bộ, đảng
viên chiến đấu, hy sinh anh dũng, bị tù đày; tổ chức viết bài đấu tranh (chính
danh và ẩn danh);... Đặc biệt, coi trọng đấu tranh trực diện trên không gian
mạng với hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả; tranh thủ những người
có ảnh hưởng lớn đối với cư dân mạng để thông qua họ đưa tin về cái tốt, lên án
cái xấu.
Tri thức lịch sử, trong đó có lịch sử Đảng
cung cấp cho chúng ta hiểu biết quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện tại và đoán
định tương lai. Bởi vậy, các nhà sử học Hy Lạp cổ đại từng kết luận: “Lịch sử
là cô giáo cuộc sống, là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”. C.Mác và
Ph.Ănghen cho rằng: “Sử học là khoa học duy nhất vì mọi khoa học đều phải dựa
vào sự kiện từ lịch sử”. Lênin cũng khẳng định: “Sử học là một bộ phận của khoa
học xã hội kết hợp với giai cấp vô sản trở thành vũ khí mạnh mẽ”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử khi ở Liên Xô và Người
đã căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của
tổ tiên ta”.
Nhà văn Nga Trécnưsepki từng viết: “Có thể
không biết, không cảm thấy say mê học tập môn Toán, tiếng Hy Lạp hoặc Latinh,
môn Hóa học, có thể không biết hàng ngàn môn khoa học khác nhưng dù sao đã là
người có giáo dục mà không yêu thích lịch sử thì chỉ có thể là một con người
không phát triển đầy đủ về trí tuệ”.
"Ǎn
quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta
phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các
liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các
liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do. Nhân dân ta
đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh
thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khǎn, gian khổ, hoàn thành
sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta". Lời dạy đó
của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhắc nhở chúng ta phải nâng cao trách nhiệm bảo
vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, nhân dân; kiên quyết bảo vệ “pho lịch sử bằng vàng”
của Đảng; vững tin vào thắng lợi con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo, tiến lên
chủ nghĩa xã hội vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét