VỮNG KỶ CƯƠNG, NGHIÊM KỶ LUẬT
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ thống nhất ý chí và hành động”. Để mục tiêu thống nhất này trở thành hiện thực, việc duy trì nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng là yêu cầu tất yếu.
Tuy nhiên, đánh giá về nguyên nhân dẫn tới những
hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XII) đã lưu ý: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm,
còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới”. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn
thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên
tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm…”.
Sự chưa nghiêm trong giữ kỷ cương, kỷ luật vừa
làm giảm sức mạnh, vừa giảm sút uy tín của Đảng.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản
năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cụ thể các căn bệnh mà cán bộ, đảng
viên hay mắc; trong đó bệnh “thiếu kỷ luật” được Người phân tích khá rõ nét:
“Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế
mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy.
Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không
ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc”.
Sự phân tích này được đưa ra trong bối cảnh Đảng
Cộng sản Việt Nam đảm nhận vai trò đảng cầm quyền của đất nước. Vì thế, những hạn
chế, khuyết điểm này mang ý nghĩa cả quá khứ, hiện tại và tương lai của Đảng.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề
này, ngay sau khi nhà nước công nông ra đời, ngày 26-1-1946, Chủ tịch Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký ban hành Quốc lệnh của Chính phủ về
10 điểm thưởng, 10 điểm phạt; trong đó khẳng định sự cần thiết của kỷ cương, kỷ
luật: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn,
kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”.
Từ đó đến nay, Đảng ta đã ban hành rất nhiều
nghị quyết, quy định, nhằm hình thành khung thiết chế kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Cùng với đó là không ngừng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát huy
các quy định trong thực tế, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, “bệnh cá nhân” trong mỗi con người
không dễ một thời gian ngắn xóa ngay được, càng không dễ khi mà sự cám dỗ liên
quan tới chức quyền ngày càng lớn, phức tạp. Giai đoạn 1945-1985, với cơ chế quản
lý tập trung, kỷ cương, kỷ luật của cơ quan, đơn vị, của toàn xã hội được duy
trì khá tốt, đã góp phần huy động và dốc toàn lực cho sự nghiệp giành độc lập tự
do đất nước. Từ năm 1986 đến nay, khi cả nước chuyển sang cơ chế thị trường,
bên cạnh giá trị tích cực cũng xuất hiện nhiều tác động từ mặt trái của cơ chế
này. Việc giữ kỷ cương, kỷ luật trong mỗi tổ chức cũng như toàn xã hội đã xuất
hiện nhiều biểu hiện phức tạp, bất cập.
Vì muốn kiếm thêm khoản thu nhập, nhiều cán bộ
thay vì làm đúng quy trình công tác, lại thờ ơ, tìm cách ngâm công việc để vòi
vĩnh người dân, doanh nghiệp có nhu cầu làm thủ tục hành chính.
Vì gục ngã trước viên đạn bọc đường, không ít
cán bộ, đảng viên khi được giao chức vụ lãnh đạo đã cố tình làm trái các quy định
của Đảng, làm trái pháp luật về quản lý. Không chỉ bản thân bị kỷ luật, bị xử
lý hình sự, mà nhiều người còn sử dụng quyền lực để ép cấp dưới làm sai, đẩy họ
vào sai phạm và vào vòng lao lý.
Vì để cho chủ nghĩa cá nhân dẫn dắt, nên nhiều
cán bộ đã tìm mọi cách để nâng đỡ không trong sáng, cất nhắc bổ nhiệm con cháu,
người thân, đàn em cánh hẩu… bất chấp quy định và quy trình về công tác cán bộ.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra
hàng loạt biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên gắn liền với vi phạm kỷ
luật, kỷ cương: Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không chấp
hành sự phân công của tổ chức; nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ nhiệm người thân, người quen,
người nhà dù không đủ tiêu chuẩn; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất
đoàn kết nội bộ; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc...V.v...
Không còn kỷ cương, kỷ luật thì chủ nghĩa cá
nhân sẽ trở thành người chỉ huy nhận thức và hành động!
Tạo dựng và giữ kỷ cương, kỷ luật bắt đầu từ nhận
thức. Vì thế, giải pháp mang tính lâu dài là thực hiện tốt hơn, đều hơn công
tác tuyên truyền giáo dục để các đường lối, chủ trương, quy định của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước “thấm sâu, ở lâu” trong mỗi cán bộ, đảng
viên. Tuyên truyền về vinh dự, trách nhiệm và yêu cầu về tiên phong, gương mẫu
của người đảng viên là góp phần thúc đẩy nâng cao đạo đức cách mạng trong mỗi
con người. Từ sự chuyển biến về nhận thức, nhất định sẽ dần hình thành nên những
hành động thực hành đạo đức cách mạng.
Khung thiết chế kỷ luật, kỷ cương trong Đảng hiện
tại đã khá hoàn chỉnh. Đi đôi với sự tự giác thực hành đạo đức cách mạng của cá
nhân, việc kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định, quy chế công tác là giải
pháp quan trọng để mỗi tổ chức Đảng vừa ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực,
vừa làm cho quyền lực được thực thi đúng mục đích.
Mọi hoạt động được tiến hành đúng quy định “vững
kỷ cương, nghiêm kỷ luật”, đúng chức trách cá nhân, công khai dân chủ toàn cơ
quan - sẽ như mạch vữa kết dính cao độ gắn chặt các đảng viên với tổ chức Đảng,
đẩy lui tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ. Cùng với đó, mỗi tổ chức Đảng cần
thường xuyên duy trì công tác kiểm tra, giám sát để kết quả giữ kỷ cương, kỷ luật
được duy trì bền lâu.
Không lực lượng nào to lớn hơn nhân dân. Dựa vào
dân thông qua cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị đối
với tổ chức Đảng để giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật sẽ giúp công tác
này được bảo đảm thường xuyên và mang lại hiệu quả cao.
Kỷ luật lỏng lẻo sẽ mở cánh cửa của tổ chức cho
sự suy thoái tấn công, làm suy yếu kỷ cương.
Khi kỷ cương không giữ vững, lãnh đạo sẽ rối loạn,
sức chiến đấu của tổ chức cũng giảm sút.
Vậy nên - vững kỷ cương, nghiêm kỷ luật là yêu cầu sống còn của mỗi tổ chức Đảng!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét