Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến
công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá,
phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc
đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi
đường lối, chủ trương. Những quan điểm, lời dạy của Bác về công tác tư tưởng đến
nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được vận dụng sáng tạo trong tình hình
mới.
Cả cuộc đời hoạt
động cách mạng vì dân vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ tâm huyết,
nghị lực, tài năng, kinh nghiệm của mình tiến hành công tác tư tưởng để giáo dục
và tổ chức quần chúng, nhằm biến đổi sâu sắc, triệt để đời sống tinh thần của
xã hội cũ, tạo ra đời sống tinh thần mới, xây dựng và sáng tạo cuộc sống văn
hoá tinh thần cho mình, cho dân tộc, cho đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác
tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn hoạt động của
Đảng, là một sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén, quyết định thành công của sự
nghiệp cách mạng. Cho nên, Người rất chăm lo đến công tác giáo dục chính
trị tư tưởng, bởi trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, quan trọng nhất là lãnh
đạo tư tưởng. Bởi theo Người “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”;
rằng “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới
thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”.
Công tác tư tưởng tự bản thân nó đã hàm chứa những vấn đề nhạy cảm, phức tạp,
đa chiều, liên quan đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân;
liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Lãnh đạo quan
trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết
thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng
thì không làm được việc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác lãnh đạo
tư tưởng là quan trọng nhất, là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng,
là nhân tố cấu thành quan trọng hàng đầu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với xã
hội. “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt
rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần
chúng, không thể làm cách mạng”. Người chỉ rõ “Tư tưởng thông suốt thì mọi việc
làm đều tốt. Phải làm cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn thắng, tư tưởng
cá nhân hoàn toàn thất bại”.
Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ của
mình phải hiểu tư tưởng của quần chúng nhân dân, phải tuyên truyền để
quần chúng thông suốt về tư tưởng để cùng thống nhất về hành động. Bởi vậy, Người
định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền “Tuyên truyền là đem một việc
gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích
đó, là tuyên truyền thất bại”. Người nói “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải
tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý
không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”. Do mục đích, yêu cầu
của công tác tuyên truyền, nhất là tính chính xác và sức lay động lan toả đối với
dân chúng nên Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền “Phải biết cách nói. Nói
thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng
hiểu được, nhớ được”; rằng: Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách,
không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy,
nhất định thất bại. Khi tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, Người
lưu ý: Phải nói thiết thực, rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt.
Vì vậy, Hồ Chí Minh mong muốn làm sao trong mỗi
bài nói, bài viết phải thấu cảm được ý tưởng và mong ước của nhân dân. Người
yêu cầu “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và
lòng ước ao của quần chúng”. Có như vậy công tác tư tưởng mới đạt được mục tiêu
“được người, được việc, được tổ chức” như nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng
định. “Phải đạt được mục đích tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong
quân đội”.
Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công
tác tư tưởng nên Người luôn mong muốn “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu
khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một
hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào cần phải đi thăm các cụ
phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thăm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và
để hiểu biết tình hình địa phương”. Người còn chỉ giáo “Thấy dân làm việc gì, bất
kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ
giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội”. Cán bộ Tuyên truyền cần phải chủ động
học tập nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; luôn nắm
vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt
của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với
thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần
chúng”.
Muốn tiến hành cổ động có hiệu quả trước hết cần
xác định "Khẩu hiệu hành động". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong
mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế
giới đề ra khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong kháng chiến chống đế
quốc Mỹ, ngoài khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập, tự do",
"đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", có các khẩu hiệu: "Ba sẵn
sàng", "Ba đảm đang", "Tiếng hát át tiếng bom"... Ngày
nay, ngoài các khẩu hiệu: "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "Hòa
nhập, không hòa tan" còn có các khẩu hiệu: "Xây dựng nông thôn mới",
"Chung tay chống dịch COVID-19"...
Để công tác tư tưởng thật sự thuyết phục, hiệu
quả, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân
dân bằng lý lẽ, tâm huyết, kinh nghiệm và bằng thực tiễn cuộc sống, những người
làm công tác tư tưởng phải chú trọng giáo dục bằng nêu gương, thể hiện tính
gương mẫu về nhân cách, đạo đức, bản lĩnh chính trị, sự kiên định vững vàng;
tinh thần trách nhiệm cao trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào
hành động cách mạng của địa phương; nói đi đôi với làm, tốt nhất là thực hiện phương
châm: nói ít, làm nhiều, nói cụ thể, thiết thực không cao xa, lý luận chung
chung, cách nói trúng với từng đối tượng; vừa nói, vừa làm; nói được, làm được,
để tạo sự tin cậy của Nhân dân đối với Đảng bộ và cán bộ, đảng viên, bởi “Một tấm
gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, và gương của cán bộ
lãnh đạo cấp càng cao càng có giá trị./.
NVN-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét