Nghiên
cứu về chiến lược biển của Trung Quốc, có thể thấy, mục tiêu chiến lược biển của
Trung Quốc trong mỗi giai đoạn có sự khác nhau khá rõ nét. Trước năm 1985, mục
tiêu chiến lược biển của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phòng vệ bờ biển. Năm
1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc
thành một cường quốc về biển; gắn với chủ trương “khai thác biển xa trước, biển
gần sau; biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau”. Từ sau
Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) trở lại đây, Trung Quốc đã đề
ra chiến lược xây dựng cường quốc biển và nhấn mạnh, việc xây dựng cường quốc
biển là sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ lợi ích quốc gia và thực hiện phục hưng
dân tộc Trung Hoa.
Như
vậy, chiến lược biển Trung Quốc đã thay đổi, từ “ưu tiên giữ ổn định, chủ yếu
là gác lại tranh chấp” sang “chủ động, tích cực” hơn, biểu thị rõ ràng thái độ
kiên quyết, không từ bỏ cái lợi mà họ cho là quyền lợi “chính đáng”. Nói cách
khác, chiến lược biển hiện nay của Trung Quốc đã không còn “giấu mình chờ thời”
như trước đây. Trong hoạt động khai thác tài nguyên biển, Trung Quốc chủ trương
“khai thác biển xa trước, biển gần sau; biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ
quyền sau”, “tàu cá đi trước, tàu chiến theo sau”. Theo đó, chiến lược “vùng
xám” - với đặc trưng cơ bản “không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh
nóng; từ từ tịnh tiến, càng để lâu càng có lợi về chủ quyền”[1],
đang được Trung Quốc sử dụng một cách khá thường xuyên, nhằm đạt được một lợi
ích nào đó trên biển và đất liền.
Thực
tế cho thấy, chiến lược biển của Trung Quốc đang gặp rất nhiều thách thức; tuy
nhiên, quyết tâm trở thành cường quốc biển là không thay đổi. Điều đó sẽ tác động
không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trong khu vực. Đối với
Việt Nam, những tác động từ chiến lược biển của Trung Quốc có thể kể đến như:
Về
kinh tế, với vị thế láng giềng liền kề, Việt Nam chịu nhiều “sức ép” từ chiến
lược biển của Trung Quốc. Việc đẩy mạnh khai thác biển và thực hiện chiến lược
“vùng xám” của Trung Quốc là thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục
tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
Về
chính trị - xã hội, việc thực hiện chiến lược biển của Trung Quốc ảnh hưởng đến
quan hệ của Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Quá trình thực
thi chiến lược biển Trung Quốc đã và sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch tạo cớ,
lợi dụng, công kích chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt
Nam trong việc thiết lập và củng cố quan hệ với Trung Quốc, chia rẽ mối quan hệ
hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc. Đồng thời, xuyên tạc quan điểm
của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề biển Đông, cổ suý “bài Trung, thân Mỹ”, tạo
bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Về
quốc phòng - an ninh, quá trình hiện thực hoá mục tiêu cường quốc biển của
Trung Quốc đồng thời là quá trình gia tăng ngân sách quốc phòng, hiện đại hoá hải
quân, phát triển lực lượng chấp pháp và dân quân biển, mở rộng phạm vi và cường
độ hoạt động trên biển. Những hành vi của Trung Quốc trên biển đã ít nhiều gây
quan ngại cho các quốc gia trong khu vực, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá quân
đội nói chung, lực lượng hải quân nói riêng của các quốc gia này.
Về
đối ngoại, vấn đề biển Đông đã và đang là trở ngại lớn nhất kìm hãm quan hệ đối
ngoại giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Quan hệ hữu nghị, truyền thống,
lâu đời, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đã được hai
đảng, hai nước xây dựng theo phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp
tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng
giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Việt Nam hết sức coi trọng
quan hệ với Trung Quốc, song không bao gờ nhân nhượng với những gì thuộc về độc
lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Trước sau như một, Việt Nam khẳng định chủ
quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường này đã được thể hiện
trong các văn bản pháp luật về biển đã được ban hành (như Nghị quyết của Quốc hội
năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982) và
các tuyên bố chính thức của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam kiên quyết, kiên trì
đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, dư luận và thực địa đối với mọi vi phạm của
các nước về chủ quyền biển, đảo./.
ToH3
1 nhận xét:
bài viết đã nói lên những vấn đề quan trọng trong vấn đề biển Đông hiện nay. Bài viết hay, cần được nhân rộng.
Đăng nhận xét