Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là
sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và nhân dân ta, với chủ đề: “Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;
khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện,
đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi
trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước
ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã
hội chủ nghĩa”[1].
Đại đội đã xác định một cách toàn diện, sâu sắc, cụ thể những nhiệm vụ trọng
tâm và các đột phá chiến lược trong thời gian tới. Nhận thức đúng đắn những điểm
mới trong việc xác định nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong các
văn kiện được trình bày tại Đại hội XIII của Đảng là cơ sở để xây dựng niềm tin
và thống nhất về hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn Quân ta, góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Những điểm mới đó được thể hiện trên
các nội dung sau:
1. Về những
nhiệm vụ trọng tâm
Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm,
Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. So với Đại
hội XII, Báo cáo chính trị có 2 điểm mới: (1) Về cơ cấu: Đại hội XII dành nhiệm
vụ 1 và 2 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; Báo cáo chính
trị dành nhiệm vụ thứ nhất về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán
bộ, thêm nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu; (2) Nội dung từng
nhiệm vụ trọng tâm có những nội dung mới. Cụ thể như sau:
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Báo cáo
chính trị bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tiếp
tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,
“lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng
cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ
nghĩa.
Về phát triển kinh tế. Báo cáo chính trị bổ
sung, nhấn mạnh xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền
kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự
liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản
xuất kinh doanh và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển
kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền
kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để
phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Báo
cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng,
an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để phát triển đất nước.
Về văn hóa, xã hội. Báo cáo chính trị bổ
sung, nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh
phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ
số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết
toàn dân tộc. Báo cáo chính trị bổ sung và nhấn mạnh: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống
pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa,
quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã
hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ
xã hội chủ nghĩa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức
chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, tăng cường đại đoàn kết toàn
dân tộc.
Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Báo
cáo chính trị nêu: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài
nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải
pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Về các đột phá chiến lược
Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của
Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ
thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. So với Đại hội XII, Báo cáo
chính trị bổ sung, nhấn mạnh những nội dung sau:
Về thể chế. Báo cáo chính trị mở rộng phạm vi
thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng
và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi
trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng
tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất
là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời
tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.
Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao. Báo cáo chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho
công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng
cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục,
đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu,
chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo;
khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị
văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về hệ thống kết cấu hạ tầng. Báo cáo chính trị
nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh
tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên: Một là, phát triển một số công trình
trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là,
chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số
quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Sự cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược của Đại hội
XI, XII vào giai đoạn 5 năm 2021-2025 là một điểm mới của Báo cáo chính trị
trình Đại hội XIII của Đảng.
Như vậy, những
nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng là những
quan điểm toàn diện và sâu sắc, thể hiện tư duy sáng tạo và tầm nhìn chiến lược
của Đảng ta nhằm hướng đến đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 14.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét