CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM, SỰ GƯƠNG MẪU CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG PHÒNG, CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

  


“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một vấn đề xã hội nảy sinh không chỉ trong nội bộ tổ chức đảng, trong cơ quan nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn đối với các tầng lớp xã hội; không chỉ trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng mà còn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn là vấn đề nội bộ Đảng, nội bộ Nhà nước, mà còn là vấn đề của toàn xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay bắt nguồn từ những tiêu cực và tệ nạn xã hội, những yếu kém từ thực tiễn kinh tế, xã hội đất nước, những bất cập của cơ chế, chính sách, luật pháp; những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; từ những yếu kém trong xây dựng Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, sự tác động tiêu cực của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự xâm nhập hệ tư tưởng và văn hóa phương Tây vào Việt Nam, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những biến động của thời cuộc. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và hệ trọng nên phải được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên, liên tục, phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của Đảng, của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, sự quản lý của Nhà nước, của chính quyền các cấp; sự tham gia của các tổ chức, các lực lượng trong hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một trong những nội dung cơ bản, góp phần quan trọng trong phòng, chống trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên đó chính là sự “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân”[1]. Người cũng chỉ rõ rằng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến”[2]. Thực tế lịch sử đã chứng minh, quần chúng chỉ thực sự yêu mến, tin tưởng và nghe theo những cán bộ, đảng viên có tư cách, đạo đức, có trách nhiệm với nhân dân, với sự nghiệp chung của đất nước. Hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những thành tựu vĩ đại từ khi có Đảng lãnh đạo và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua 35 năm đổi mới đã khẳng định những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, khẳng định tính tiền phong, gương mẫu của đa số đảng viên của Đảng ta. Đa số cán bộ, đảng viên giữ vững được tư cách người đảng viên cộng sản trong điều kiện mới, tiên phong, gương mẫu trong công tác và đời sống, thực hiện tốt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phần lớn cán bộ, đảng viên kiên cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, phấn đấu quên mình vì lý tưởng cộng sản. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên vững vàng trước những biến động của tình hình trong nước và thế giới, kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, hăng hái đi đầu trong công cuộc đổi mới, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, có tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”, phạm những lỗi nghiêm trọng… đang gây bức xúc trong xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân. Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”[3]; “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”[4].

Để phát huy vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải mẫu mực, liêm khiết, trong sạch.

Muốn phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương cũng như trong xã hội, người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền cùng cấp phải thực sự là tấm gương mẫu mực về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, không có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm một trong những biểu hiện thì phải thành khẩn kiểm điểm, nhận rõ sai lầm, khuyết điểm của mình, khắc phục cho được những vi phạm đó, làm cho mình “trong sạch hóa”, “liêm khiết hóa”, lấy lại uy tín của mình, phấn đấu vươn lên. Từ đó mà kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không tự ti, bi quan, không tự biến mình thành nạn nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ hai, người thân, gia đình của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ cấp cao phải gương mẫu, trong sáng, trong sạch.

Một tình trạng khá phổ biến hiện nay là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền để cho gia đình, người thân lợi dụng uy tín, vị trí công tác, quyền lực của mình để làm ăn phi pháp, trục lợi, tham ô, tham nhũng gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước, tài nguyên của đất nước, hủy hoại môi trường sống. Không ít doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có cán bộ là lãnh đạo, giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước nên doanh nghiệp đã trở thành “sân sau” của các quan chức, cán bộ lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, từ đó ra sức hoành hành, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, ổn định chính trị đất nước. Đồng thời, không ít vụ tham nhũng, đưa, nhận hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy tội... đều thông qua người thân của cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền.

Vì vậy, để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cấp cao phải làm cho người thân, gia đình của mình thật sự mẫu mực, trong sáng, trong sạch. Nếu không như vậy, người cán bộ sẽ không “ra tay”, “mạnh tay” chống tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách hiệu quả. Nếu gia đình cán bộ có chức, có quyền mà không mẫu mực, trong sạch, trong sáng thì xã hội sẽ không còn động lực, niềm tin để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, các ngành phải hăng hái đi đầu trong đấu tranh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền ở các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước không chỉ hô hào chúng chung chống quan liêu, tham nhũng, chống lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà phải thực hiện đi tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trước hết, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong chính bản thân mình, gia đình, người thân của mình, trong cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực mà mình phụ trách. Phải kiên quyết chống bệnh thành tích, sợ khuyết điểm, sợ liên đới trách nhiệm nên bao che khuyết điểm cho nhau, cấp dưới thì dấu diếm khuyết điểm với cấp trên, cấp trên dung túng, bảo lãnh cho cấp dưới, vì lợi ích nhóm mà bao che cho nhau. Vì thế, kiểm điểm mà không thấy khuyết điểm, thanh tra, kiểm tra mà không thấy cán bộ nào tham nhũng, lãng phí, đến khi dân tố cáo thì mới phát hiện ra cả một nhóm người có chức, có quyền, cả một đường dây tham nhũng đã thành hệ thống trong nhiều năm, móc nối giữa nhiều cấp, nhiều ngành.

Thực tế cho thấy, không hiếm lãnh đạo các cấp, các ngành đọc diễn văn, báo cáo, chỉ thị, nghị quyết về chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” rất hay, rất đúng nhưng đâu rồi lại vào đấy; quan liêu, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngày càng trầm trọng hơn. Bởi lẽ, lời nói không đi đôi với việc làm, lý luận không gắn với thực tiễn, cán bộ, đảng viên không làm gương, làm mẫu, chỉ lo dấu diếm khuyết điểm mà không lo đấu tranh khắc phục khuyết điểm, bị cuốn theo các tiêu cực và tệ nạn xã hội, dung túng, bảo kê, chống lưng cho các tiêu cực và tệ nạn xã hội mà không quan tâm đến đấu tranh loại trừ các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Vì thế mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngày càng trở nên căn bệnh trầm kha, len lỏi vào khắp cơ thể xã hội và đến một lúc nào đó xã hội sẽ “tự chuyển hoá” một cách tự nhiên theo quy luật vận động tất yếu của sự vật, hiện tượng.

Đồng thời cán bộ chủ trì, chủ chốt, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ biết mẫu mực cho riêng bản thân mình, mà còn phải làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên dưới quyền của mình, trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách, trong cơ quan, đơn vị mình cũng đều phải mẫu mực. Giữ cho mình mẫu mực là cần thiết nhưng như thế thì rất khó có thể phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” một khi cấp dưới vẫn tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, mắc phải “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”./.

                                                                                                                                     N.Đ.T - KBS



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.50.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.16.

[3] Đảng Cộng sảng Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016, tr.22.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2012, tr.22.

0 nhận xét: