CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA LÀ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA

 

  Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, được dư luận quốc tế đánh giá cao, nhất là sự thành công trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống đại dịch Covid 19 vừa phát triển kinh tế. Những thành công đó đã tạo được niềm tin trong vững chắc trong quần chúng nhân dân, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên một tầm cao mới. Điều đó là những minh chứng tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thành công của Việt Nam là thất bại của các thế lực thù địch, phản động. Tuy thực tiễn những thành công của Việt Nam đã rõ, nhưng mới đây trong một bài viết của Phạm Nhật Bình, một trong những phần tử cơ hội, phản động đã xuyên tạc phủ nhận những thành công đó. Trong bài viết của mình, sau một hồi vòng vo “hiến kế”, thực chất là “bổn cũ soạn lại”: nào là Việt Nam cần bãi bỏ cơ chế xin – cho, nào là vấn đề đòi quyền lợi của các thành phần kinh tế, rồi vấn đề công nhận các quyền sở hữu tư nhân,... Cuối cùng Phạm Nhật Bình cũng lòi cái đuôi chống phá với luận điệu cũ rích là đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải “mạnh dạn phá bỏ mô hình định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi độc đảng” để đất nước tiến lên. Hóa ra tâm địa của Phạm Nhật Bình chỉ muốn Việt Nam đi chệch những mục tiêu phát triển tốt đẹp, hòng phủ nhận những thành tựu Việt Nam đã đạt được, đâu phải tình cảm vì dân, vì nước như Y đã rêu rao.

Ai cũng biết rằng, một xã hội sung túc, bình đẳng, không có người bóc lột người là ước muốn muôn đời của nhân loại, đã được các nhà tư tưởng như Platon, Thomas More… đề cập từ trước Công nguyên. Thế kỷ 5 sau Công nguyên, những phong trào “có tính chất cộng sản”, thách thức quyền lợi của tầng lớp quý tộc và tăng lữ, đấu tranh cho một xã hội công bằng xuất hiện đã nói lên khát vọng tốt đẹp đó. Đến cuối thế kỷ 19, C.Mác - Ph.Ăngghen đã khái quát các ý tưởng trên thành lý luận về chủ nghĩa cộng sản, được V.I.Lênin hiện thực hóa bằng cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và gọi đó là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Cương lĩnh 1991 của Đảng ta khẳng định: xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; nhân dân lao động làm chủ; đoàn kết các dân tộc và với các nước. Vì vậy, trên cả góc độ lý luận và thực tiễn, việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam lựa chọn những mục tiêu như vừa nêu trên, cũng chính là lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, là quyết định phù hợp với nguyện vọng của dân tộc và xu thế phát triển của nhân loại.

Cần nói thêm rằng, thuật ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” được sử dụng nhiều trong các văn kiện của Đảng với ý nghĩa như một nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, thể hiện sự kiên định lựa chọn mục tiêu “giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong những bài học kinh nghiệm được Đại hội lần thứ VII của Đảng (6/1991) rút ra sau 5 năm đầu tiến hành đổi mới (1986).

Cho đến nay, bài học này vẫn mang đầy đủ giá trị cả về lý luận và thực tiễn, khi Việt Nam liên tục bứt phá ngoạn mục về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và môi trường đầu tư, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội. Trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP và hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 145%. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ, trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Nhiều chỉ tiêu vượt nghị quyết đề ra như: năng suất lao động, xuất khẩu, giảm nợ công. Xếp hạng về phát triển bền vững của Việt Nam đã tăng từ thứ 88 lên thứ 49, cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển. Riêng năm 2020, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc rơi vào suy thoái do tác động của dịch Covid-19 thì kinh tế việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2.91%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam được xếp thứ 42/131 nước, đứng đầu nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập. Các số liệu trên một lần nữa khẳng định các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa, những vấn đề mà Phạm Nhật Bình nêu đã được Đảng, Nhà nước ta công khai nhìn nhận một cách nghiêm túc và giải quyết tận gốc.

Những thành quả đạt được của đất nước nói chung, phát triển kinh tế nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã và đang tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Những vấn đề do Phạm Nhật Bình nói ra, cuối cùng cũng bộc lộ nguyên hình là một kẻ cơ hội, xét lại nhằm chống phá cách mạng nước ta mà thôi./.

    PQ-H3

0 nhận xét: