Độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện một cách tập trung những luận điểm sáng
tạo lớn về lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những luận điểm đó có giá trị lâu
dài chỉ đạo đường lối cách mạng Việt Nam và đóng góp quan trọng vào việc phát
triển lý luận về cách mạng vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong
khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp
phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng, đặc
biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở
các nước thuộc địa và phụ thuộc”.
Độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ
Chí Minh. Tư tưởng đó đặt vấn đề giải phóng con người, hạnh phúc của con người ở
mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng. Với Người, độc lập dân tộc bao hàm
trong đó cả nội dung dân tộc và dân chủ. Đó là nền độc lập thật sự, độc lập
hoàn toàn, chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu, độc lập nửa vời, độc lập
hình thức. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải gắn liền với thống
nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, độc lập dân tộc bao giờ cũng
gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của nhân dân lao động. Người chỉ rõ: tiến
lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là bước phát triển tất yếu, khách quan ở Việt
Nam sau khi đã giành được độc lập dân tộc. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm
cho mọi người dân sung sướng, ấm no”[1];
“chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến
bộ”[2].
Độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, lý tưởng mà còn là động lực của cách
mạng Việt Nam, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nguyên tắc chỉ đạo tiến
trình cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kiên định, quán triệt
trong Cương lĩnh, đường lối, chủ trương; Nhà nước thể hiện nguyên tắc này trong
chính sách, pháp luật. Toàn thể hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên phải
nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc, mục tiêu này. Đây là lý tưởng, định hướng
chiến lược của Đảng, tâm nguyện của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội là mục tiêu
cao cả của độc lập dân tộc, độc lập dân tộc là điều kiện then chốt để bảo đảm
cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành, nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân; dân chủ được mở rộng, người dân thực sự trở
thành chủ nhân của đất nước mình.
Trong nhiều văn
kiện của Đảng ta, vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được
khẳng định một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định một trong những
bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng nước ta là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại
cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết
để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc
cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[3]. Văn kiện Đại hội XI của Đảng lại một lần
nữa nhấn mạnh: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện
đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội”[4]. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục
khẳng định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng
sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”[5].
Nhất quán với các đại hội trước, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Ðảng đã nêu rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; kiên định các nguyên tắc
xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[6]. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã phân tích sâu sắc, tâm huyết một vấn đề
rất lớn và quan trọng trong đường lối cách mạng của nước ta. Trong bài viết, đồng
chí đã làm rõ tính tất yếu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định những
thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà nước ta đạt được trên con đường đó, đề
ra một số phương hướng để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong
tình hình mới.
Trong âm mưu,
hoạt động “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch
phản động, cơ hội chính trị và các phần tử chống chủ nghĩa xã hội luôn tìm mọi
cách phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng
đưa ra luận điệu: Thứ nhất, ở Việt Nam không thể có độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội với những luận điệu xuyên tạc: Ở một nước như Việt Nam, nhất
là đã trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ bởi ngoại bang và chế độ phong kiến, sau
khi hoàn thành cách mạng dân tộc, thực hiện chế độ dân chủ nhân dân là phù hợp,
không cần tiến lên chủ nghĩa xã hội; Thứ hai, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
là hai phạm trù độc lập, tồn tại ở các thời kỳ khác nhau, ở các quốc gia có định
hướng chính trị khác nhau, không có mối liên hệ gắn kết. Đồng thời, phải thực
hiện xong độc lập dân tộc, sau đó trải qua một thời kỳ “trung gian” quá độ từ độc
lập dân tộc lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Việt Nam không thể có độc lập dân tộc
gắn với chủ nghĩa xã hội. Việc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định độc
lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và cho đó là một tất yếu, khách quan của lịch
sử dân tộc Việt Nam là một sự gán ghép khiên cưỡng, bắt chước rập khuôn, máy
móc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây; Thứ ba, học thuyết của Mác
- Lênin về chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời. Sai lầm của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản
Việt Nam là vận dụng học thuyết về chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam. Kết cục Việt
Nam sẽ cùng chung số phận như Liên Xô và Đông Âu. Nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện hiện nay thực chất
là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, không có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
và cũng không thể có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội như Đảng Cộng
sản Việt Nam khẳng định.
Những luận
điệu trên hoàn toàn mang tính áp đặt, không có căn cứ thực tiễn và khoa học, nằm
trong mưu đồ chiến lược chống chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch, phản động,
cơ hội chính trị chống chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn, khoa học để
không bị rơi vào cái bẫy của các thế lực thù địch, kiên trì, kiên định bảo vệ
quan điểm, đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác
Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, không chỉ tạo cơ sở
lý luận và thực tiễn cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là
điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, nhân nguồn sức mạnh tinh thần, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động
của nhân dân ta, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực
thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về những thành tựu trong công cuộc
đổi mới đã và đang trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam.
N.T.K.T - H2
[1] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 10, tr. 64.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 10, tr. 97.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội 1991.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung
ương Đảng, Hà Nội, 2016.
[6] Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb CTQGST, HN. 2021, tập I,
tr.109.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét