Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chính vì vậy, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Trải qua các kỳ Đại hội, nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của con người ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn, có sự bổ sung, phát triển phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở tiếp tục khẳng định, kế thừa, tiếp thu tinh thần từ các kỳ Đại hội trước, Đại hội XIII của Đảng đã có sự bổ sung, phát triển mới về vấn đề con người và phát triển con người Việt Nam với quan điểm “nguồn lực con người là quan trọng nhất”1.
Phát triển so với
các kỳ Đại hội trước, ngay trong chủ đề Đại hội XIII đã xác định là: “Tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi
mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định;
phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng
xã hội chủ nghĩa”2. Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,
phấn đấu đến năm 2045 nước ta “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”3 thì một
trong những nội dung hết sức quan trọng đó là huy động sức mạnh, sức sáng tạo của
mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây
là một trong những điểm nhấn hết sức quan trọng mà trong Nghị quyết Đại hội lần
này đã tiếp tục có sự nhận thức và bổ sung, phát triển so với các kỳ Đại hội
trước đó, cụ thể:
Một là, Nghị
quyết Đại hội XIII nhấn mạnh phát huy “sức mạnh con người Việt Nam”
Trong các kỳ Đại
hội trước, mục tiêu phát huy sức mạnh con người Việt Nam luôn được Đảng ta đặc
biệt nhấn mạnh, bởi nguồn lực con người được đánh giá là nguồn lực quan trọng
nhất trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, ở mỗi kỳ Đại hội đều có sự nhận thức
và thể hiện khác nhau. Nếu như trong Báo cáo chính trị Đại hội X, XI mới tập
trung nhấn mạnh đến nhiệm vụ “Phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội”
(mục VII, Đại hội X), “Chăm lo phát triển văn hóa” (mục VI, Đại hội XI) thì đến
Văn kiện Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng, phát
triển con người bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa ở mục VII: “Xây
dựng, phát triển văn hóa, con người”. Tinh thần này tiếp tục được khẳng định
trong Văn kiện Đại hội XIII khi Đảng ta xác định đường lối về xây dựng và phát
triển đất nước, đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển
thu nhập cao. Để có thể đạt được mục tiêu đó, yếu tố quyết định chính là xây dựng
và phát huy được nguồn lực con người Việt Nam, làm cho con người Việt Nam được
phát triển tự do, toàn diện, có đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước, tự hào
dân tộc. Chính vì vậy, ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con
người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát
triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh
quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”4.
Hơn nữa, trên
cơ sở định hướng và yêu cầu đặt ra cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước
trong thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ ra một trong
ba đột phá chiến lược là “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu
hút và trọng dụng nhân tài”5. Vấn đề then chốt của việc xây dựng và phát huy
nguồn lực con người trong thời kỳ mới chính là việc nhận thức rõ hơn vấn đề con
người và con người của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Yêu cầu đặt ra là
nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển chung, trong đó có thể chế cho sự
phát triển toàn diện “quyền con người”. Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành
thật tốt Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
đã nhấn mạnh: “Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới
là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh
tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, kết
hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Bởi vậy, xây dựng và phát huy nguồn
lực con người được Đảng ta khẳng định trong Nghị quyết Đại hội là động lực quan
trọng, là yếu tố quyết định với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đó
cũng là công việc phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận vừa khoa học, vừa thực tế, vừa
thận trọng nhưng phải sáng tạo, quyết liệt. Chỉ có xây dựng, tạo ra môi trường,
điều kiện phát triển tốt nhất cho con người mới có điều kiện để khơi dậy những
sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng
trong thời kỳ mới.
Hai là, Nghị
quyết Đại hội XIII tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa về phát triển con người
toàn diện
Ngay trong Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Đảng
ta đã khẳng định, một trong những đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa là:
“Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột bất công, làm theo năng lực, hưởng
theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển
toàn diện cá nhân”. Đến Đại hội VIII, tinh thần đó tiếp tục được Đảng ta khẳng
định: Tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng
lực của mình”. Tại Đại hội X, Đảng ta một lần nữa khẳng định, một trong những đặc
trưng quan trọng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “con
người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh
phúc, phát triển toàn diện”6. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), tinh thần đó tiếp tục
được khẳng định vững chắc khi chỉ ra một trong những đặc trưng quan trọng của
xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “con người có cuộc sống ấm
no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”7. Đại hội XI cũng xác định,
xây dựng con người Việt Nam “phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất,
năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật”8. Đến Đại hội XII, vấn đề
“phát triển con người toàn diện” được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm
vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020, đó là xây dựng “con người
Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”9 Có thể khẳng định, “phát triển con
người toàn diện” là một bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng ta
khi không chỉ coi trọng vấn đề phát triển con người về mặt nhận thức, mà còn biến
đó thành nhiệm vụ, hành động thực tiễn cần phải được thực hiện đồng thời với
các nhiệm vụ quan trọng khác trong công cuộc phát triển đất nước.
Kế thừa quan điểm
“phát triển con người toàn diện” của các kỳ Đại hội trước, Nghị quyết lần
này lại nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm trong “xây dựng con người Việt Nam thời
đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”10.
Để xây dựng, hình thành những con người mới có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt,
Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra nhiều nhiệm vụ, đó là: Phát triển nguồn nhân lực,
nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh
đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt;
quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu
niên, nhi đồng, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền
thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân,
nhất là thanh niên; “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và
chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của người
Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”11...
Trong giai đoạn
hiện nay, các thế lực thù địch luôn xem thanh niên là đối tượng đặc biệt để thực
hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Vì thế, nêu cao cảnh giác, kịp thời nhận diện,
vạch trần các thủ đoạn của chúng là nhiện vụ cấp thiết, thường xuyên và lâu dài
của cả hệ thống chính trị hiện nay.
Trong bất cứ
giai đọan nào của lịch sử, thanh niên luôn là lực lượng đi đầu, chủ yếu trong
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất là, trong điều kiện kinh tế – xã hội phát triển
và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tuổi trẻ có nhiều điều kiện,
cơ hội để phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ đi trước,
vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên,
trong điều kiện mới cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất
là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, khi sự trải nghiệm cuộc
sống của họ chưa đủ để có thể sàng lọc, miễn dịch trước những tiêu cực xã hội
đa chiều, phức tạp. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng những đặc điểm của
tâm lý tuổi trẻ là dễ tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình, nhưng nhận
thức các vấn đề chính trị – xã hội còn chưa đủ độ chín nên tìm mọi cách tuyên
truyền, kích động, mua chuộc, tha hóa nhằm băng hoại lực lượng dự bị hùng hậu
này của cách mạng.
Cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0 làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp của con người. Đây
chính là thời cơ để các thế lực thù địch lợi dụng công nghệ truyền thông và mạng
xã hội để tác động lên tâm lý hòng lôi kéo thế hệ trẻ. Chúng đăng tải nhiều tài
liệu có nội dung phản động, thông tin lập lờ, suy diễn, không đúng bản chất, với
dụng ý xấu, như: phủ nhận những thành quả của đất nước, dân tộc cả trong quá khứ,
hiện tại cũng như vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra các diễn
đàn trên mạng để nhiều người trẻ truy cập và định hướng bình luận theo hướng
tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất phương hướng chính
trị. Phát tán các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy cho lối sống thực dụng làm
tha hóa con người, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, không chịu
học tập, làm việc và cống hiến. Căn bệnh “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”
đang là hiện trạng có thật của một số ít người trẻ tuổi. Khi sự ham muốn bản
năng trở thành mục đích duy nhất thì tất yếu dẫn đến sao nhãng quá trình học tập
và rèn luyện; sự bồng bột, thiếu thực tế, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng
của lối sống đua đòi, dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng lối sống vật chất,
xem nhẹ giá trị tinh thần. Họ bàng quang, vô cảm, không đấu tranh chống cái sai
và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng; không ít thanh niên chưa thực sự vững
tin vào tương lai phát triển của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại
khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động.
Như vậy, Nghị
quyết Đại hội XIII đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, cụ thể hơn nhiệm
vụ phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; phù hợp với yêu cầu
thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; thể hiện sự sáng tạo của Đảng
trong quá trình vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh trong xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trước tác động của cuộc
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).
NTP-H2
1
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.34.
2
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 14.
3
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr. 36.
4
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.37.
5
Đảng Cộng sản
Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội. 1991, tr.9.
6 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2006, tr.68.
7
Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70.
8
Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính
trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.105.
9
Đảng Cộng sản
Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính
trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, tr.78.
10 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
sự thật, Hà Nội 2021, tr.143.
11 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, tr.144.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét