Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải
phóng phụ nữ là hệ thống các nội dung thể hiện nhãn quan chính trị, tầm nhìn
triết học nhân văn và là một cống hiến to lớn của Người đối với sự phát triển của
phụ nữ Việt Nam. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ trong tình
hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, nhằm
phát huy sức mạnh toàn dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện,
đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh,
trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định
đúng đắn vai trò, vị trí của phụ nữ; coi trọng công tác vận động phụ nữ, sự
nghiệp giải phóng phụ nữ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của phụ
nữ trên các lĩnh vực.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt
Nam ra đời, để quy tụ, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam, Đảng
đã chỉ đạo thành lập các tổ chức phụ nữ như: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (năm
1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (năm 1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (giai đoạn
1941-1945) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946) nhằm xây dựng hạt nhân
đoàn kết, tổ chức phụ nữ trong các phong trào cách mạng, chăm lo đời sống và phấn
đấu thực hiện bình đẳng giới, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ...
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mở
ra kỷ nguyên mới, cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng
6/1976, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền
Nam Việt Nam đã hợp nhất, lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam. Việc thống nhất tổ chức Hội đã tạo nên một sức mạnh mới, mở đường
cho phong trào phụ nữ nước ta phát triển lên một trình độ cao hơn. Hàng loạt cuộc
vận động, phong trào thi đua mới được phát động và triển khai rộng khắp, trở
thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thông qua việc thực
hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn
cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều
hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của
đất nước.
Cùng với đó, công tác phụ nữ, trong đó có công tác cán bộ nữ
cũng được đề cao trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình quyền.
Ngày 7/6/1984, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TƯ, “Về một số vấn đề cấp
bách trong công tác cán bộ nữ”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với đội
ngũ cán bộ nữ. Chỉ thị số 44-CT/TƯ góp phần làm thay đổi mạnh mẽ quan điểm, nhận
thức đối với vấn đề cán bộ nữ; tăng thêm đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy
viên, ủy ban nhân dân, công tác lãnh đạo quản lý ở các cấp; đồng thời, tích cực
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong phụ nữ.
Nhờ vậy, số cán bộ nữ tham gia công tác Đảng, chính quyền trong thời kỳ này đã
tăng đáng kể. Tỷ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là
8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%. Nhiệm kỳ 2015-2020, lần đầu
tiên có 3 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (đạt tỷ lệ 15,78%). Việt Nam nằm
trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ
tham gia lao động. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, tăng thêm
3,11% vào khóa tiếp theo, đạt tỷ lệ 27,31%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới.
Có thể khẳng định, hơn 90 qua, vai trò của phụ nữ Việt Nam
và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Đảng luôn nhấn mạnh
phụ nữ là một lực lượng quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-xã
hội; đồng thời, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm
của Đảng và các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Mục tiêu
giải phóng phụ nữ là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng
cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no
ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, làm tốt nhiệm
vụ tập hợp đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ Việt Nam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng
giới; trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng với mọi tầng lớp phụ nữ; tích cực
tham gia các hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam trong
hệ thống chính trị, trong mọi mặt đời sống xã hội và trên trường quốc tế.
Có thể tự hào rằng, không chỉ giữ
vị trí quan trọng trong gia đình, phụ nữ Việt Nam còn có vai trò vô cùng quan
trọng trong đấu tranh cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước,
xứng đáng với tám chữ vàng mà chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng: “Anh hùng, bất
khuất, trung hậu, đảm đang”./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét