CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

XUYÊN TẠC LỊCH SỬ LÀ CÓ TỘI VỚI LỊCH SỬ

 

Cũng như nhiều năm trước, càng gần đến ngày Quốc khánh 2-9 - Ngày lễ trọng đại của dân tộc - Ngày Tết Độc lập của toàn dân ta, các thế lực thù địch càng hập hực, chúng ra sức tung ra các chiêu trò xuyên tạc, bôi bẩn bầu không khí ngày hội của đất nước.

Năm nay, trên mạng xã hội lại xuất hiện ý kiến của một số người nhân danh là “nhà nghiên cứu lịch sử” nhưng chắc là họ không hiểu về lịch sử nên mới đưa ra cái gọi là “Ngày độc lập của Việt Nam không phải là ngày 2-9-1945 mà là ngày 8-3-1949”.

Sự thật là vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trước ngày này, đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Nước Việt đã không còn trên bản đồ thế giới, đã bị chia làm 3 miền, đã bị lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Người dân một cổ hai tròng, sống đời nô lệ, đói rách lầm than, oằn lưng, tối mặt với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, phu phen… Cách mạng Tháng Tám thành công đã trả lại tên cho nước Việt Nam, trả lại nền tự do, độc lập mà dân tộc ta có quyền được hưởng. Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến, cũng đã phải thốt lên rằng: “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”.

Đến ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam đã được đi bầu cử, chọn người đại diện của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đó là Quốc hội.

Chính ông Bảo Đại sau đó đã chạy sang Pháp và đến ngày 8-3-1949, cựu hoàng Bảo Đại đến điện Élysée, nơi đặt văn phòng tổng thống Pháp ở thủ đô Paris, ký kết hiệp định với Tổng thống Pháp là Vincent Auriol một bản được gọi là “Hiệp định” (hiệp định Élysée).

Hiệp định Élysée gọi Bảo Đại là hoàng đế là không đúng vì ông này đã xin thoái vị từ năm 1945.

Với Hiệp định Élysée, Pháp “công nhận nền độc lập của Việt Nam”, nhưng “nền độc lập của Việt Nam không có một giới hạn nào khác, ngoài giới hạn mà Liên hiệp Pháp dành cho mình”, một liên hiệp không hề có bình đẳng dưới quyền lãnh đạo của Pháp. Cụ thể, việc thống nhất Việt Nam sẽ thông qua trưng cầu dân ý, nhưng phải được Quốc hội Pháp chấp thuận; hoạt động đối ngoại của Việt Nam chỉ trên danh nghĩa vì hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại giao của Liên hiệp Pháp; “Nhà nước Việt Nam” có quân đội riêng nhưng do Pháp huấn luyện và toàn quyền điều động; đồng tiền Việt Nam nằm trong khu vực đồng Franc của Pháp.

Như vậy, theo Hiệp định Élysée, Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia độc lập đúng nghĩa.

Ngày 8-3-1949, trả lời điện phỏng vấn của tờ Dân quốc nhật báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập”.

Ngày 2-9-1949, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra tuyên bố khảng định: “Chính phủ của Bảo Đại và Nguyễn Văn Xuân không đại diện cho Việt Nam, Chính phủ Hồ Chí Minh được lập ra sau cuộc tổng tuyển cử 1946 là chính phủ duy nhất hợp pháp”.

Thực tế đã khẳng định kể từ ngày được Độc lập (2-9-1945) đến nay, dân tộc Việt Nam ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ vĩ đại đã lập nên biết bao kỳ tích có tính lịch sử, từ một nước thuộc địa bước lên vũ đài của những dân tộc có quyền tự quyết, là tấm gương soi sáng, cổ vũ các dân tộc bị áp bức, đô hộ vùng lên giành quyền độc lập, tự do.

Năm 2020, trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước ta, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonnio Guterres đã gửi lời chúc mừng Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam là hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh và ngày nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình”.

Giá trị đích thực của ngày Quốc khánh 2-9 là thiêng liêng và cao quý. Bất cứ người Việt Nam yêu nước chân chính nào cũng đều cảm nhận được điều đó. Nếu ai đó còn có tư tưởng bóp méo, xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị tinh thần, niềm tự hào lớn lao của dân tộc, phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, độc lập, tự do đối với nhân dân ta, hướng lái làm cho giới trẻ mơ hồ nhận thức thì cần xem xét lại bản thân mình. Nếu không xem lại được thì chắc chắn sẽ bị lịch sử phán xét và đào thải./.

NQT-H8

0 nhận xét: