Tôi có nhiều ký ức về người lính trong những năm chiến tranh. Hồi đó, thi thoảng thức dậy, tôi đã thấy những người lính ở trong nhà mình. Họ vừa chuyển quân đến đóng ở làng tôi trong đêm khi tôi đang ngủ say.
Buổi sáng thức dậy,
những người lính tập thể dục và đội ngũ xong thì chia nhau làm các công việc
giúp dân: quét sân nhà, quét ngõ, gánh nước đổ vào bể, nhặt cỏ trong vườn, dạy
trẻ con học bài... Hình ảnh đó lúc nào cũng làm tôi xúc động.
Rồi một sáng nào đó
thức dậy, tôi không thấy người lính nào trong nhà mình nữa. Mẹ tôi bảo các chú
bộ đội đã lên đường vào mặt trận. Sau này tôi biết rất nhiều người lính đã đóng
quân ở làng tôi không bao giờ trở về với mẹ của mình được. Họ đã ngã xuống
trong cuộc chiến.
Chiến tranh đã kết
thúc gần một nửa thế kỷ. Và những ngày này, hình ảnh những người lính trực tiếp
giúp dân ở TP Hồ Chí Minh lại làm tôi xúc động và bao ký ức xưa về những người
lính lại trở về.
Trên thế giới lâu
nay, ở những nơi có biến động như bão lũ, động đất, sóng thần, hỏa hoạn... đều
có mặt những người lính. Với quốc gia nào cũng vậy, quân đội là lực lượng quan
trọng nhất để bảo vệ người dân và quốc gia trong mọi tình huống, chứ không chỉ
khi có chiến tranh.
Biết vậy, nhưng
hình ảnh những người lính trẻ đi vào thành phố giúp người dân chống dịch và đơn
giản chỉ để mua một vài nhu yếu phẩm rồi mang tới cho các hộ dân đang trong thời
gian giãn cách vì đại dịch làm tôi xúc động lạ thường.
Cuộc chiến chống đại
dịch COVID là một cuộc chiến tranh không tiếng súng, bởi nó đã gây ra những tổn
thất nặng nề về người và của.
Chúng ta thật khó
xác định con virus đang ở chỗ nào và cả những người được trang bị những thứ tốt
nhất để chống lại "kẻ thù’’ vô hình này vẫn bị nhiễm, và đã có những y bác
sĩ hay những người ở các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã ra đi.
Bởi thế, những người
lính kia luôn đứng trước nguy cơ bị nhiễm và bị cướp đi sinh mạng. Nhưng họ đã
đi vào thành phố như đi vào một trận đánh.
Điều làm chúng ta
không thể không xúc động và suy nghĩ là khi chúng ta không nhìn thấy nỗi sợ hãi
nào trên gương mặt những người lính đó. Những người lính mang một gương mặt tự
nguyện.
Thế nhưng, giữa những
lời nói và hành động biết ơn những người lính, đó đây vẫn nổi lên những giọng
nói lạc loài, hay như mấy hôm nay trên mạng xã hội có truyền đi một "tiểu
phẩm" về ngôn ngữ thoại của những người lính với một thái độ khoái trá và
hả hê.
Một số người cố biện
minh rằng đó chỉ là sự "đùa cho vui" một tí trong những ngày giãn
cách căng thẳng. Đấy không thể là một lời nói đùa.
Tôi hiểu rằng trong
cái thế giới mang tên người đây đó vẫn còn bóng tối của sự vô cảm. Sự lên tiếng
của nhiều người đối với những giọng nói lạc loài ấy là sự nổi giận của lương
tâm, nếu không thì thế giới người đã tàn lụi lâu rồi.
Khi tôi viết đến
đây thì mọi giận dữ trong tôi đã tan biến. Bởi tôi vẫn nhìn thấy những hình ảnh
về những người lính giúp dân mà báo chí và mạng xã hội đưa lên với những chia sẻ
thương yêu và quý trọng của bao người.
Và những người lính
vẫn hối hả đi trong thành phố với một công việc tưởng như chẳng bao giờ thuộc về
một người lính. Có thể họ chẳng bao giờ nghe được những lời lẽ không phải của một
số người về họ.
Thực ra là họ đều
nghe thấy hết, nhưng họ đang phải thực thi nhiệm vụ của họ: nhiệm vụ của một
người lính và nhiệm vụ của lương tâm một con người.
Và tôi như thấy một
người lính quay lại nhìn tôi, mỉm cười và nói khẽ khi tôi viết những dòng này:
"Xin cảm ơn bác, nhưng bác cũng không cần phải nổi giận vì những điều nhỏ
bé ấy"./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét