Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý
nghĩa lịch sử đặc biệt; là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng
ta, dân tộc ta, đất nước ta. Mỗi kỳ Đại hội Đảng đều để lại những dấu ấn đặc biệt
và được các tầng lớp nhân dân gửi gắm những kỳ vọng lớn lao. Trong Đại hội lần
thứ XIII có hai điểm nhấn phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh
và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới đó là: khát vọng phát triển
đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên trong chủ
đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến “khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là một điểm rất mới và là một điểm
nhấn quan trọng. Bởi nó đánh trúng, đánh đúng tâm tư nguyện vọng của người
dân, nó đánh trúng tâm huyết và quyết tâm của Đảng về một dân tộc luôn khao
khát phát triển và thịnh vượng.
Ngay từ giai đoạn đầu tiên xây dựng văn kiện Đại hội XIII,
lãnh đạo Đảng và Tiểu ban văn kiện đã muốn đưa vào chủ đề Đại hội cụm từ “khơi
dậy khát vọng” bởi đó là tinh thần, là động lực rất mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn
dân tộc trong giai đoạn hiện nay và đến quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung
ương 13, khi cho ý kiến về dự thảo văn kiện trình Đại hội, Bộ Chính trị đã có
thảo luận về việc đưa cụm từ “khơi dậy khát vọng” vào chủ đề Đại hội và cần làm
rõ ngay trong chủ đề nội hàm của cụm từ này. “Khát vọng” là khát vọng gì? Không
thể nói là khơi dậy khát vọng mà không có mục tiêu. Do đó, chủ đề Đại hội XIII
khi công bố toàn văn có nêu là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, nó đã
đánh trúng, đánh đúng tâm tư nguyện vọng của người dân, đánh trúng tâm huyết và
quyết tâm của Đảng ta.
Khái niệm khát vọng: là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong
muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là
nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt
đến ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách… là động lực để con người đem
hết sức mình để thực hiện khát vọng.
Khát vọng của mỗi con người riêng biệt thì ở thời điểm nào
cũng có, thế hệ nào cũng có; khát vọng của mỗi cá nhân luôn là động lực giúp mỗi
cá nhân có động lực để phấn đấu tốt hơn để nuôi ước mơ chính đáng của cuộc đời.
Khát vọng phát triển của một dân tộc: là khát vọng vươn lên
của cộng đồng của con người cùng một quốc gia, dân tộc, khát vọng đó như một thứ
kết dính tạo thành một nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động giúp dân tộc
đó phát triển theo mục tiêu đã xác định.
Xuất phát từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về sức mạnh
tinh thần sẽ chuyển hóa thành sức mạnh vật chất khi nó thâm nhập vào quần chúng
nhân dân. Trong tác phẩm góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, Angghen
đã viết “Vũ khí phê phán không thể thay thế cho sự phê phán bằng vũ khí. Lực lượng
vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất. Nhưng một khi lý luận
thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành sức mạnh vĩ đại”.[1]
Xuất phát từ tư tưởng
Hồ Chí Minh: Bác là hiện thân cho những khát vọng của dân tộc trong xây dựng đất
nước phồn vinh, hạnh phúc. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người đã
nghĩ tới việc xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại, làm sao cho chúng ta
theo kịp các nước trên hoàn cầu; nghĩ tới một non sông Việt Nam tươi đẹp, bước
tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu bằng nhiệm vụ “trồng
người”.
Trong đỉnh cao ác liệt của cuộc chiến tranh do giặc Mỹ gây
ra, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", Người tuyên bố
"Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng
hơn, to đẹp hơn"; rằng "Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ,
ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay". Mong muốn cuối cùng của Người là toàn Ðảng,
toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất,
độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế
giới.
Trong lịch sử thế giới có nhiều quốc gia phát triển hùng mạnh
và sự phát triển của mỗi quốc gia ấy đều bắt nguồn chính từ những khát vọng
vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, một nước phát triển như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Singapore…
Nhìn lại những chặng đường lịch sử của dân tộc ta, từ khi có
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Đảng là người đại diện duy nhất biết khơi dậy
khát vọng Nhân dân vào thực hiện những mục tiêu của đất nước.
Cụ thể, vào những ngày đầu đất nước mới thành lập năm 1945;
đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thù trong trong giặc ngoài, kinh tế
kiệt quệ, năm 1945 hơn 2 triệu đồng bào chết đói, dân số mù chữ, ngân sách nhà
nước gần như trống rỗng; khi đó, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay Pháp,
Ngân quỹ Chính phủ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương nhưng trong đó có tới
580 đồng rách nát đang chờ tiêu hủy, Chính phủ bù nhìn tay sai để lại khoản nợ
lên đến 564 triệu đông…
Lúc này, Đảng, Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
rất khôn khéo, khơi dậy khát vọng của Nhân dân, dựa vào sức mạnh tiềm ẩn của
Nhân dân để có đủ nguồn lực và sức mạnh bảo vệ vẹ toàn chính quyền non trẻ. Khi
đó, Chính phủ và Bác Hồ đã phát động Tuần lễ vàng, đã đánh trúng khát vọng của
hòa bình của Nhân dân.
Chỉ sau 1 tuần sau ngày kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng
bào cả nước đã ủng hộ khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương, không chỉ có người
giàu mà người nghèo cũng ủng hộ từ đôi bông tai, con bò… tổng số tiền lên đến
20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng (theo giá trị tương đương hiện nay khoảng hơn
3.000 tỉ đồng).
Khi đất nước chìm trong máu lửa, giặc Pháp quyết tâm cướp nước
ta một lần nữa. Lúc này, khi không có hòa bình thì cuộc sống của nhân dân đâu
có được ấm no, hạnh phúc. Vì thế, Lời kêu gọi của Bác “…Chúng ta thà hinh sinh
tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ…” như một lời hiệu triệu
giúp cả dân tộc bừng tỉnh, nhất tề đứng dậy. Khát vọng tự do như một nguồn sức
mạnh vô song giúp một dân tộc đang đói nghèo trở nên mạnh mẽ, một dân tộc ốm yếu
mang tư tưởng nô lệ bỗng chốc bừng tỉnh. Khát vọng đó như một nguồn năng lượng
vô biên từ chính nhân dân ta được Đảng, Bác Hồ khơi dậy, một sức mạnh nội sinh không
gì sánh nổi đã giúp dân tộc ta đánh thắng hai kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân
sự mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần.
Gần một thế kỷ mới có được chính quyền độc lập, chúng ta phải
mất 30 năm mới thống nhất được đất nước. Thế nhưng ngay lập tức, đất nước lại gặp
sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Bị bao vây, cấm vận, thù
trong giặc ngoài khiến cho kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái, đất nước rơi
vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói
nghèo, đất nước kém phát triển… và khát vọng của dân tộc ta luôn khát khao và
trỗi dậy để nhân dân sớm có một cuộc sống ấm no, đất nước hòa bình, phồn vinh,
thịnh vượng.
Sau hơn 35 năm với khát vọng đổi mới, dưới sự lãnh đạo sang
suốt của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đoàn kết chung sức, đồng
long của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển,
ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận đã từng bước
khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Từ một nước
nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành
hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được các nước trong khu vực và quốc tế
ghi nhận, đánh giá cao. Tính đến năm 2020, Việt Nam nằm trong tốp 40 nền kinh tế
lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 khối ASEAN; GDP bình quân theo đầu người đạt
3.521 USD, theo Tạp chí The Economist tháng 8 – 2020, Việt Nam đã xếp trong tốp
16 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng thành công nhất thế giới. Theo số liệu của
Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016 -
2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Hiện tại, với những thành tựu thần kỳ của mình trong phát
triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội và nhất là việc thành công trong cuộc
chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đang trở thành “thiên đường”, nơi mà
nhiều người nước trên thế giới phải ngưỡng mộ, mong muốn và mơ ước được đến sống
và làm việc.
Đất nước ta đã vượt qua thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, thời
kỳ đau thương và nghèo đói… Giờ đây, khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng
là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh. Đại hội lần thứ XIII của Đảng
nhấn mạnh đến cụm từ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, một lần nữa khẳng
định sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, dân tộc
ta có trở nên giàu có và sánh vai với các cường quốc năm châu hay không là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của mỗi người dân Việt Nam./.
NHB-H3
0 nhận xét:
Đăng nhận xét