CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

CĂN BỆNH THỜ Ơ, VÔ CẢM, THIẾU TRÁCH NHIỆM CẦN PHẢI ĐƯỢC CHỮA TRỊ!

 

Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… Truyền thống ấy luôn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, vun đắp nhằm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên hiện nay, vẫn có một số ít cá nhân có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đang trở thành căn bệnh ngày càng trầm trọng, lây lan trong xã hội, đặc biệt là “lớp trẻ” ít quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ chính trị xã hội...

Thực tế chứng minh trong 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; kinh tế ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Song, những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập lối sống nước ngoài, nhất là lối sống thực dụng không phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc đã khiến một bộ phận trong xã hội ngày càng trở nên vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm và trở thành căn bệnh làm mờ nhạt những truyền thống tốt đẹp đó.

Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, các phương tiện thông tin truyền thông đã cảnh báo và đưa nhiều minh chứng về sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong xã hội. Thờ ơ, vô cảm đã cho thấy sự thể hiện trơ lì về cảm xúc, dửng dưng trước các sự việc xung quanh; thờ ơ với nỗi đau khổ, mất mát của người khác, chỉ biết quan tâm đến lợi ích của mình. Chính sự thờ ơ, vô cảm ấy mà thấy tốt không ủng hộ, thấy xấu không lên án, ngại va chạm tạo điều kiện, tiếp tay cho cái xấu, cái ác nảy nở.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường. Bởi lẽ, trong xã hội vẫn không thiếu những người tốt, những câu chuyện về “người tử tế”, những câu chuyện ấm áp lòng người như những hiệp sĩ đường phố, về người đi xây cầu từ thiện, những tấm gương quên mình cứu người giữa dòng nước lũ; toàn dân ủng hộ đồng bào miền trung bị lũ lụt năm 2020, cả nước hướng về miền nam chống dịch covid - 19 trong những ngày vừa qua; tấm lòng của các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cơn hoạn nạn… tất cả những việc làm trên đã góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, một xã hội, cộng đồng tốt đẹp, nhân văn của con người Việt Nam.

Căn bệnh này sẽ trở nên nguy hiểm khi nó xâm nhập vào chính trị để hình thành sự “vô cảm về chính trị” cho một số đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trẻ. Đó là việc cán bộ, đảng viên trẻ không quan tâm đến chính trị, lười học nghị quyết của Đảng, xem nhẹ lịch sử, có lối sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ với thời cuộc và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hay của đơn vị, địa phương mà chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân; ngại va chạm, không tích cực tham gia đấu tranh với những vi phạm, biểu hiện xấu ở xung quanh để xây dựng cơ quan đơn vị, địa phương.

Đã là căn bệnh thì cần phải tìm đúng “thuốc chữa”, trong đó phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; cần phải có sự phối kết hợp của từng cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó chú trọng công tác đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền làm thức dậy tình thương yêu con người, đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm đối với xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đặc biệt là thế hệ trẻ. Tích cực đấu tranh với cái sai, cái xấu, những cái lệch lạc với những chuẩn mực xã hội, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và cá nhân trong đấu tranh, ngăn ngừa căn bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, chống lại cái xấu, vun đắp và xây dựng những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

=TXD-H2=

 

0 nhận xét: