Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và
công nghệ, nhất là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ
thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa mọi người trên toàn
thế giới. Chỉ với máy tính, điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng
giao tiếp và mạng xã hội, con người có khả năng cập nhật thông tin, giao tiếp,
liên lạc với nhau cho dù họ ở bất kỳ đâu trái đất. Sự phát triển của mạng xã
hội đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của một xã
hội thông tin. Bên cạnh những tác động tích cực, không gian mạng cũng là môi
trường để các thế lực phản động và các phần tử chống đối truyền bá quan điểm,
tư tưởng xấu độc, sai trái nhằm phá rối, tạo sự bất ổn về chính trị, xã hội của
các quốc gia. Vì vậy, nhận diện chính xác và đấu tranh kiên quyết với những
quan điểm phản động, sai trái trên không gian mạng là nghĩa vụ và trách nhiệm
của mỗi công dân Việt Nam nói chung, từng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân
dân Việt Nam nói riêng. Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng: các thế
lực thù địch đang triệt để lợi dụng sức mạng lan truyền của Internet, mạng xã
hội như một phương tiện truyền thông đắc lực trong việc chống phá sự nghiệp
cách mạng của đất nước ta bằng một số hình thức. Cụ thể:
Một là, với phương thức chống phá mới là chủ yếu sử
dụng không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động lập ra hàng trăm trang
web, các blog và thông qua các dịch vụ hội thoại để tuyên truyền, xuyên tạc sự
thật, vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo cấp cao
nhằm phá hoại niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nội dung chủ yếu mà chúng tập trung chống phá là phủ
định hoặc bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá quan
điểm, chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp
luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận những thành tựu to lớn do
Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; kích động đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập; đòi tam quyền phân lập, “phi chính trị hóa” quân đội; phủ nhận kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tấn công vào nền dân chủ xã hội chủ nghĩa,
đòi thực hành theo kiểu dân chủ tư sản.
Hai là, các thế lực thù địch, phản động tiến hành
tuyên truyền, kích động trào lưu “xét lại lịch sử”, “viết lại lịch sử”; phủ
nhận lịch sử dân tộc, lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta; cổ súy, tung hô các “giá trị” dân
chủ phương Tây, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kêu gọi,
kích động biểu tình, gây rối, tụ tập tạo điểm nóng, thực hiện cuộc “cách mạng
màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ chính quyền, tạo cớ kêu gọi các thế lực
bên ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta.
Ba là, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng
Internet, các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin xấu độc, dối trá, lừa
bịp, bịa đặt, thổi phồng, bóp méo sự kiện; nhào nặn, trộn lẫn thông tin tốt -
xấu, thật - giả; đưa ra những bình luận thâm độc; gây chia rẽ đoàn kết nội bộ,
nhằm làm bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ đoạn thường được chúng sử dụng đó là dùng những
tin, bài, hình ảnh trên các báo chí chính thống, sau đó viết lại, chỉnh sửa
thành những nội dung bịa đặt hoặc định hướng sai lệch để đăng tải, khiến cho
người xem, người đọc có cảm giác nửa tin, nửa ngờ và nếu không tìm hiểu, nghiên
cứu kỹ sẽ bị tác động xấu bởi những thông tin xuyên tạc này. Đặc biệt trong
thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid
19, các thế lực phản động và phần tử chống đối lợi dụng không gian mạng để đưa
thông tin xuyên tạc, bóp méo chủ trương, biện pháp và kết quả phòng chống dịch
của Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt về sự lây lan dịch bệnh nhằm làm hoang
mang dư luận, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện các đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù
địch lập ra các tài khoản giả mạo, đưa các thông tin với dụng ý xấu độc, đánh
lừa, kích động người xem, người đọc, gây phân tâm lớn trong xã hội; đồng thời
chúng lập ra nhiều trang, tài khoản…để đăng tải những thông tin xuyên tạc, bịa
đặt về tình hình chính trị ở Việt Nam nhưng núp dưới những tên gọi nghiêm túc,
chính thống. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, thâm độc, khiến cho người xem,
người đọc lầm tưởng là trang của những người yêu nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ
đất nước, vì vậy mức độ tuyên truyền, thẩm thấu vào suy nghĩ của mỗi người sẽ
rất nhanh, mất đi sự phản xạ đề phòng.
Để nhận diện
chính xác và đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái trên không gian
mạng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp
ủy đảng, người chỉ huy các cấp trong nhận diện và đấu tranh chống quan điểm
phản động, sai trái trên không gian mạng.
Đây là giải pháp quyết định trực tiếp đến chất lượng,
hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm phản động, sai trái trên không gian mạng
hiện nay. Để thực hiện tốt giải pháp trên, các cấp ủy đảng các cấp cần xác định
rõ vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết phải nhận diện và đấu tranh chống các
quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trong đó, phải đưa việc đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng vào nghị
quyết lãnh đạo thường kỳ hoặc chuyên đề của cấp ủy, tổ chức đảng và nội dung
sinh hoạt thường xuyên của tất cả các tổ chức, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của
từng tổ chức, cơ quan, đơn vị; khi bình xét, phân loại, đánh giá chất lượng các
tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ
này. Coi trọng việc tổng kết thực tiễn, công tác đấu tranh chống các quan điểm
sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội trong Quân đội những năm vừa qua.
Qua đó, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm đấu tranh đã tích lũy được, vận
dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện mới.
Thứ hai, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm,
tinh thần đấu tranh trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu bảo đảm việc nhận
diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên không gian mạng được thực
hiện có hiệu quả, thực chất và có chiều sâu. Trước hết, cần phát huy vai trò
của các cấp ủy đảng các cấp trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong nhận diện và đấu
tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. Bên
cạnh đó, cần giáo dục, quán triệt sâu sắc các chủ trương, biện pháp có liên
quan đến nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống các quan điểm phản động, sai trái của
các thế lực thù địch, làm cho mọi người nhận thức rõ: đấu tranh chống các quan
điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng,
thường xuyên và cấp thiết của mọi cá nhân, tổ chức, lực lượng trong toàn quân.
Đồng thời, thường xuyên cung cấp những thông tin chính thống mang tính thời sự
đến toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhằm định hướng tư tưởng.
Thứ ba, thường xuyên đổi mới phương pháp, nội dung,
hình thức đấu tranh trên không gian mạng
Trước hết, các cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp cần nhận
thức sâu sắc việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đấu tranh
chống các quan điểm phản động, sai trái trên không gian mạng là một yêu cầu cấp
thiết, cần tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở giữ vững nguyên tắc: Chủ
động tiến công và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, có luận cứ khoa học
với các quan điểm, lý luận phản động, phản khoa học, các hoạt động phá hoại tư
tưởng của các thế lực thù địch; gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và
"chống", lấy "xây" là chính.
Các cơ quan, đơn vị tăng cường các biện pháp lãnh đạo,
chỉ đạo, chủ động đưa thông tin tích cực trên các phương tiện truyền thông,
Internet và mạng xã hội. Cần tổ chức chặt chẽ và tạo mọi diều kiện thuận lợi
cho cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực chia sẻ, lan tỏa sâu rộng Internet,
các trang mạng xã hội gương "người tốt việc tốt", hình ảnh trong
sáng, giản dị, hành động cao đẹp ca ngợi bản chất, truyền thống tốt đẹp của
"Bộ đội Cụ Hồ "nhằm "lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin
tiêu cực”.
Thứ tư, phát huy vai trò tích cực của lực lượng 47,
từng bước hiện đại hóa phương tiện để đấu tranh chống các quan điểm phản động,
sai trái trên không gian mạng.
Lực lượng tham
gia đấu tranh trên không gian mạng phải thực sự có bản lĩnh chính trị vững
vàng, nhạy bén, sắc sảo, trình độ lý luận chính trị cao, kiến thức rộng, có
kiến thức và trình độ cơ bản về công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm tư liệu,
khai thác và cập nhật thông tin, có khả năng viết tin, bài để tuyên truyền
các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gương người tốt việc tốt và
đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...
Coi trọng triển khai các giải pháp kỹ thuật chọn lọc,
bóc gỡ, vô hiệu hóa thông tin xấu độc; thông báo, cảnh báo các nguy cơ mất an
toàn thông tin và các khuyên cáo đối với người dùng… Coi trọng đầu tư xây
dựng, từng bước hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật, đầy đủ, kịp thời cho
các nhà nghiên cứu, lực lượng đấu tranh chuyên sâu để họ có điều kiện sáng tạo
khoa học cũng như tham gia đấu tranh chống các quan điểm phản động, sai
trái trên không gian mạng./.
Tia chớp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét