CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

PHÁT TRIỂN TRIẾT HỌC MÁCXÍT TRONG GIAI ĐOẠN MỚI CỦA THỜI ĐẠI HIỆN NAY

 

  Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, Triết học Mác - Lênin nói riêng về bản chất là một học thuyết phát triển, là hệ thống mở với bản chất vốn có là luôn được vận dụng, bổ sung, phát triển cho phù hợp thực tiễn. Trong bức thư gửi nhà văn người Mỹ bà Phlo-ren-xơ Ken-li-vi-sne-vét-xcai-a, ngày 27 tháng giêng năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[1]. V.I.Lênin sau này, vào năm 1910, đã nhắc lại lời khẳng định Ph.Ăngghen “Học thuyết của chúng tôi - Ăngghen nói về mình và người bạn nổi tiếng của mình - không phải là một giáo điều mà là một kim chỉ nam cho hành động” và cho rằng quên điều này “thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng”[2]. V.I.Lênin cũng nhấn mạnh “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”[3]. Chúng ta thấy, thực tiễn cuộc sống luôn vận động, biến đổi, phát triển, vì thế, nhận thức của con người nói chung, lý luận của Triết học Mác - Lênin nói riêng cũng luôn phải được vận dụng, bổ sung, phát triển cho phù hợp thực tiễn.  

Bổ sung, phát triển những nguyên lý, quy luật, phạm trù từ thực tiễn trong giai đoạn mới của thời đại hiện nay. Triết học Mác - Lênin là một hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù chung nhất vầ sự vận động và phát triển của thế giới. Hệ thống nguyên lý quy luật phạm trù này được khái quát từ biện chứng khách quan trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển của nó. Do bản chất của thế giới vật chất là phong phú, sinh động thường xuyên vận động, biến đổi và phát triển không ngừng cần có sự khái quát mới bổ sung trên cơ sở thực tiễn cho nên nội dung phát triển cho đến hiện nay với những biến đổi của thời cuộc phải là toàn diện.

  Những nguyên lý, quy luật, phạm trù của triết học Mác - Lênin được khái quát là sâu sắc là chân lý nhưng có tính lịch sử cụ thể của nó. Do vậy, quá trình phát triển nội dung của nó trước hết cần nhận thức lại, nhận thức đúng các khái niệm, nguyên lý, quy luật của triết học mácxít. Những vấn đề mới trong nghiên cứu về bản thể luận khi những vấn đề về thế giới vật chất đang đặt ra như: giả thuyết gần đây của trung tâm NASA của Mỹ về “trái đất thứ hai”; vấn đề nghiên cứu từ các phát hiện mới về vật lý như phát hiện ra các hạt, trường, phản hạt...; từ những giả thuyết khoa học cho rằng cấu tạo nên thế giới là các hạt GIGGS (“hạt của Chúa”), nó đặt ra cho triết học hiện đại phải lý giải bằng một thế giới quan khoa học và phương pháp biện chứng duy vật.

  Do đặc điểm của quá nhận thức của chúng ta khi tiếp nhận nột hệ thống tri thức đồ sộ mà các nhà kinh điển đã có công lao khái quát, để lại hệ thống tri thức đồ sộ đó; do vậy, quá trình nghiên cứu cần có hướng đi sâu nghiên cứu về học thuật ở trình độ sâu sắc hơn. Bởi vì, chỉ có nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của nó thì mới có thể bổ sung, phát triển cho phù hợp với sự biến đổi của thực tiễn tình hình. Điều đó đặt ra cho những người xã hội chủ nghĩa phải có tư duy phát hiện, phản biện những nội dung mới trong các tác phẩm kinh điển mà các nhà kinh điển đã để lại cho chúng ta và khảo cứu, tìm tòi những hạt nhân hợp lý của triết học Mác - Lênin.        

  Bổ sung, phát triển phép biện chứng duy vật từ thực tiễn trong giai đoạn mới của thời đại hiện nay. Tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật với tính cách là “linh hồn của chủ nghĩa Mác”, là “dòng suối cuồn cuộn”, những nguyên lý, quy luật phạm trù cần được làm sáng tỏ hơn bản chất, tính cân đối hoàn bị của hệ thống. Sự cần thiết khái quát bổ sung thêm những cặp phạm trù mới; coi trọng nghiên cứu các vấn đề có tính chất mũi nhọn hiện nay như: vận dụng nghiên cứu các vấn đề mới, cụ thể của đời sống đương đại; nhận diện bức tranh chung, bức tranh tổng thể của thế giới; tiếp cận xem xét bản chất, đặc điểm, nội dung, mâu thuẫn và xu thế vận động của thời đại hiện nay; bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại và vấn đề toàn cầu hoá hiện nay; về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản và cấp độ của nó; nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội và xu hướng vận động phát triển của hình thái kinh tế xã hội này; bản chất, đặc điểm của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; quan hệ giữa cách mạng xã hội và cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại; các khía cạnh mới của triết học về con người trong xã hội đương đại như xung đột; lợi ích; giá trị; tự do cá nhân…..

  Bổ sung, phát triển lý luận nhận thức từ thực tiễn trong giai đoạn mới của thời đại hiện nay. Phát triển triết học Mác - Lênin về lý luận nhận thức, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh những câu hỏi như khả năng của con người, con người sau khi chết đi về đâu, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm... nghiên cứu triết học phân ngành khoa học cụ thể: triết học văn hoá; triết học trong các khoa học toán, lý, sinh và mối quan hệ giữa các yếu tố này; triết học về mỹ học và đạo đức để làm giàu thêm kho tàng tri thức triết học của nhân loại.

  Bổ sung, phát triển triết học về xã hội từ thực tiễn cách mạng Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Sự nghiệp đổi mới 35 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ thực tiễn đổi mới, triết học Mác - Lênin cần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như: quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở một nước đang phát triển có thu nhập trung bình; về định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực; về nội dung và hình thức đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ; về biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; về vấn đề con người và phát huy nhân tố con người trong thời kỳ đổi mới; về vấn đề văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội... Đây là những vấn đề lớn, hệ trọng đối với nước ta trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mà không thể không có một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng định hướng dẫn đường của triết học Mác - Lênin.

                                                                               T.H.H – LGH

 



[1] C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, Tập 36, NxbCTQG,H.2005; tr.796.

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 20, Nxb TB, M. 1995, tr. 99.

[3] V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 20, Nxb TB, M. 1995, tr. 103.

0 nhận xét: