Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục
tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Với tư tưởng ấy, dân tộc Việt Nam
đã giành được độc lập và xây dựng đất nước từng bước đạt mục tiêu “dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa, giá trị chính trị quý báu của Việt Nam trong thời đại mới.
Để giải quyết
những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng
việc tổng kết lịch sử. Khi tổng kết lịch sử dân tộc Việt Nam, Người đúc rút một
quy luật: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như
một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị
nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc
chắn thêm lên mãi”. Đây là quan điểm rất quan trọng, mang tính nền tảng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, theo đó, việc lực lượng lãnh đạo cách
mạng chú trọng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, việc các
tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
đó chính là nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp với quy luật.
Nhìn vào các phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân Việt Nam suốt
nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX và phong trào đấu tranh của nhân dân nhiều
nước thuộc địa chống lại chủ nghĩa thực dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ,
nguyên nhân khiến cho hầu hết các phong trào đó, dù nổ ra với tinh thần anh
dũng, sẵn sàng hy sinh của nhân dân, nhưng đều thất bại, là do bị chia rẽ và cô
lập, các lực lượng yêu nước không được tập hợp và tổ chức lại thành một khối
đoàn kết vững chắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian nghiên cứu kinh
nghiệm các cuộc cách mạng lớn nổ ra trên thế giới như cách mạng Pháp, cách mạng
Mỹ và cách mạng Nga, từ đó đúc rút ra những chỉ dẫn quan trọng về đại đoàn kết
dân tộc. Người còn đi sâu nghiên cứu nhiều tư tưởng, học thuyết của các nhà
lãnh đạo chính trị tầm cỡ, như M. Gan-di, Tôn Trung Sơn..., và đặc biệt, đến
với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhờ vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có được cơ sở lý
luận khoa học để luận giải sâu sắc về tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc,
nhận thức đúng đối tượng đại đoàn kết và cách thức tiến hành đại đoàn kết dân
tộc.
Trên tất cả những
cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của đại đoàn
kết dân tộc:
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là một trong những
vấn đề gốc của cách mạng. Nếu giải quyết thành công vấn đề này thì các vấn đề
khác cũng sẽ có điều kiện để giải quyết thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng
từ “điểm mẹ” để diễn đạt quan điểm này. Người viết: Đoàn kết là “điểm mẹ. Điểm
này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”.
Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là phương thức để
tập hợp, tổ chức và phát huy cao độ sức mạnh của toàn thể dân tộc, góp phần
quyết định đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“... nhờ sức đại đoàn kết mà cách mệnh thành công... nhờ sức đại đoàn kết mà
kháng chiến sẽ thắng lợi”; “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân
ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng. Nhờ đại đoàn kết mà cách mạng đã
thắng lợi, kháng chiến đã thành công. Nay chúng ta đại đoàn kết thì cuộc đấu
tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nước nhà nhất định thống
nhất”.
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là chiến lược hàng
đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng, đại
đoàn kết dân tộc luôn phải được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm giải quyết
trước hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “Trước Cách mạng Tháng Tám và trong
kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được
mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm
cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục
đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai
là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh
thống nhất nước nhà”. Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối, chiến lược đại
đoàn kết dân tộc và lãnh đạo hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân tích cực
thực hiện đường lối chiến lược đó, làm cho đại đoàn kết dân tộc trở thành một
hiện thực đầy sức sống trong cách mạng Việt Nam.
VTK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét