Phòng, chống
tham nhũng là một vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, tệ
tham nhũng vẫn đang là nỗi bức xúc của xã hội và là một trong những nguy cơ đe
dọa sự tồn vong của chế độ ta.
Tham nhũng
không phải là hiện tượng mới xuất hiện. Nó ra đời và gắn liền với sự tồn tại,
phát triển của nhà nước. Tham nhũng thực ra là một căn bệnh cố hữu của nhà nước.
Mỗi khi đội ngũ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, quyền lực nhà nước bị
tha hóa thì những kẻ tham nhũng trở thành thế lực thao túng đời sống xã hội.
Cho đến nay, trên toàn thế giới, chưa phát hiện được quốc gia nào không có tham
nhũng. Nghĩa là, nó đang hiện diện ở mọi quốc gia không phân biệt sắc tộc, văn
hóa và chế độ xã hội. Tuy nhiên, tính chất, mức độ, loại hình tham nhũng ở mỗi
quốc gia, mỗi khu vực là rất khác nhau và phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế,
văn hóa, xã hội và chế độ chính trị.
Để đấu tranh
phòng, chống tham nhũng hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Phải
hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính theo hướng phục vụ công tác phòng, chống
tham nhũng. Quy định rõ chức năng cho các ngành, các cấp trong đấu tranh phòng,
chống tham nhũng. Cải cách chế độ tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở phù hợp
để góp phần phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện các quy định trách nhiệm của
người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng. Xây dựng các chế tài xử lý những
tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước, của nhân
dân;... Chú trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; thực hiện chế độ công
khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung
ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước; công khai, minh bạch về cơ chế, chính
sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước…; công
khai, minh bạch trong công tác cán bộ, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo;
thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ,
công chức…
Cùng với các giải
pháp nêu trên, cần thực hiện những biện pháp quyết liệt trong quá trình đấu
tranh phòng, chống tham nhũng: Truy xét trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn
vị xảy ra tham nhũng; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham
nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham nhũng; kỷ
luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng; kỷ luật
nghiêm những người lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người
khác, gây mất đoàn kết nội bộ... Thực hiện tốt các giải pháp trên góp phần xây
dựng các cơ quan, đơn vị và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./.
PVT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét