Chủ tịch Hồ
Chí Minh không chỉ là nhà chính trị thiên tài, mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất
của Việt Nam và thế giới. Người đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị
và văn hóa, tạo nên nghệ thuật ứng xử chính trị có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với
toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là nội
dung nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm các giá trị về tri thức, lý tưởng,
niềm tin, phẩm chất, năng lực, hành vi chính trị. Tư tưởng đó có giá trị xây dựng
chuẩn mực văn hóa trong tất cả các tổ chức, đơn vị, cộng đồng dân cư và mỗi cán
bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ sĩ quan trẻ là một bộ phận sĩ quan trong
Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Sĩ quan trẻ
trong Quân đội là lực lượng chính làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở
đơn vị cơ sở. Do tuổi đời, tuổi quân chưa nhiều, chủ yếu trưởng thành trong điều
kiện thời bình, nên kinh nghiệm hoạt động chính trị - xã hội của đội ngũ này
còn hạn chế. Đây là lực lượng nguồn kế cận, kế tiếp đội ngũ sĩ quan cấp chiến dịch,
chiến lược trong xây dựng, phát triển quân đội; có tuổi đời dưới 35, cấp bậc
quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá, giữ các chức vụ cán bộ cấp phân đội (cấp
trung đội, đại đội và tiểu đoàn); là lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục,
huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh
toàn diện. Vai trò đó đòi hỏi các sĩ quan trẻ phải có trình độ văn hóa nói
chung, văn hóa chính trị nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng.
Nội dung tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là nền tảng để họ giữ vững phẩm
chất cách mạng, bản lĩnh chính trị, hành vi chính trị và nâng cao, phát triển
nhân cách. Vì vậy, nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ theo tư
tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Những nội cơ
bản của văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Thứ nhất, mối
quan hệ chính trị với văn hóa và mục tiêu hoạt động chính trị. Xuyên suốt trong
tư tưởng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự nhất quán giữa lý luận và thực tiễn
cách mạng: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng
ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”; “có chính trị mới có văn hóa, xưa
kia chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được”. Đây là
tư tưởng cốt lõi văn hóa trong chính trị của Người. Cả cuộc đời hoạt động cách
mạng của Người là tấm gương về văn hóa trong lãnh đạo và trong chính trị; dù
trên cương vị, lĩnh vực công tác nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt mục
tiêu chính trị lấy dân làm gốc: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng
phục vụ cho lợi ích của nhân dân”; “tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc,
là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng
bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; “chủ nghĩa xã hội là làm
sao cho dân giàu nước mạnh”. Đây là những tư tưởng xuyên suốt trong hoạt động
chính trị của Hồ Chí Minh.
Thứ hai, giáo
dục đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt
quan tâm xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhất
là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi
đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm
liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; “Đảng
không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải
phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng... Mọi công tác của
Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần,
kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Theo Người, vấn đề
đặt ra là các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải làm sao cho văn hóa trong
lãnh đạo, quản lý thấm sâu, thể hiện ở việc kiên quyết đấu tranh chống tình trạng
tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy nhà nước. Người khẳng định: “Tham ô,
lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”; “vì những người và những cơ
quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà
không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết
quả là những người xấu, những cán bộ yếu kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh
quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Người cho đây
là bệnh cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội; làm mất uy tín của Đảng,
chế độ với nhân dân, chính hành vi đó làm méo mó tính ưu việt của chế độ văn
hóa cộng sản.
Thứ ba, giáo
dục tri thức chính trị để mỗi cá nhân tích cực, tự giác tham gia vào đời sống
chính trị. Để quảng đại quần chúng nhân dân giác ngộ về chính trị, nhận rõ thủ
đoạn chính trị của thực dân, phong kiến và tích cực tham gia vào đời sống chính
trị của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách
là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta
trở lên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với
nước Việt Nam độc lập”. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Trên cơ sở những tri thức và sự hiểu biết về chính trị, cán bộ, đảng viên mới
có thể giác ngộ về lập trường, quan điểm giai cấp đúng đắn, qua đó xác định
đúng mục tiêu, thái độ và động cơ chính trị, phát huy tính tự giác, quyết tâm,
sáng tạo trong hoạt động thực tiễn chính trị.
Một số giải
pháp nâng cao văn hóa chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ theo tư tưởng Hồ Chí
Minh
Một là, nâng
cao nhận thức, trách nhiệm của chủ thể vận dụng văn hóa chính trị theo tư tưởng
Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện nay. Nhận thức
có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của con người, chỉ có
trên cơ sở nhận thức đúng mới có hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng
được”. Thực tiễn chỉ ra, chỉ trên cơ sở nắm vững nội dung, giá trị tư tưởng văn
hóa chính trị của Người, các tổ chức, các lực lượng mới có thái độ, hành vi
đúng, trách nhiệm cao trong xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ. Do vậy, các chủ thể cần
nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng,
nâng cao văn hóa chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho sĩ quan trẻ; cấp ủy,
chỉ huy các cấp phải nhận thức đúng về vai trò, nội dung giá trị tư tưởng của
Người để bồi dưỡng sĩ quan trẻ.
Hai là, tăng
cường công tác giáo dục chính trị cho sĩ quan trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục
chính trị trước hết nhằm làm cho sĩ quan trẻ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến
đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tạo cơ sở hình thành văn hóa chính
trị. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ,
đảng viên chưa thường xuyên; một bộ phận đảng viên chưa nắm vững chủ trương, đường
lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn
chưa đáp ứng yêu cầu”. Giáo dục mục tiêu, lý tưởng nhằm giúp cho sĩ quan trẻ
kiên định lập trường giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc, củng cố thế giới quan
và phương pháp luận khoa học; giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chung và đường lối quân sự của Đảng; bồi dưỡng bản
lĩnh chính trị, lòng trung thành với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ
quốc và nhân dân.
Ba là, tạo
môi trường thuận lợi, khắc phục những tác động tiêu cực trong quá trình nâng
cao văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ. Môi trường văn hóa ở các cơ quan, đơn vị
là cái nôi nuôi dưỡng, bảo vệ sự hình thành, phát triển văn hóa chính trị cho
sĩ quan trẻ. Trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người,
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở
gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn
thể, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế,
xã hội, hội nhập quốc tế”. Môi trường văn hóa luôn tác động tới quá trình nâng
cao văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ; môi trường văn hóa lành mạnh sẽ tạo động
lực phấn đấu, rèn luyện văn hóa chính trị của họ; ngược lại, nếu môi trường văn
hóa thiếu lành mạnh sẽ tác động tiêu cực tới quá trình rèn luyện, phấn đấu của
sĩ quan trẻ. Do đó, phải xây dựng các tổ chức, tập thể quân nhân ở đơn vị vững
mạnh về mọi mặt; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đơn vị và sĩ quan
trẻ.
Bốn là, thực
hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trách nhiệm nêu gương ở đơn vị cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp quán triệt học tập,
nghiên cứu nghị quyết các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực
hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và khóa XII của Đảng; Chỉ thị số
05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị 87-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương: “Đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ
Quân đội và toàn quân” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài
năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Nâng cao văn
hóa chính trị cho sĩ quan trẻ trong Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một
quá trình lâu dài, phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách
quan. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này, cùng với sự quan tâm
đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Quân đội, mỗi sĩ quan trẻ phải nêu cao tinh thần
trách nhiệm, ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao
trình độ văn hóa chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được
giao, làm cho Quân đội ta mãi mãi xứng danh “Bộ đội cụ Hồ”./.
LNK-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét