Công
cuộc đổi mới ở nước ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua 35 năm thực
hiện mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hết sức to
lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn.
Nếu
quan niệm động lực, nguồn lực là những yếu tố tạo nên sức mạnh thúc đẩy sự phát
triển thì động lực của đổi mới bao gồm nhiều yếu tố tiềm ẩn và hiển hiện có thể
nhận biết được.
Một
là, yếu tố khơi nguồn động lực của đổi mới chính là việc định hướng đúng, phát
động đúng thời điểm. Chúng ta xác định đổi mới phải theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Định hướng đúng đắn cho sự nghiệp đổi mới vừa hợp thời, hợp quy luật, hợp
lòng dân, vừa có sự chắc chắn, vững tin. Chuẩn bị kỹ và phát động đổi mới đúng
lúc, đồng thời với mở cửa hội nhập nên chúng ta có thể chủ động và sáng tạo
trong mọi tình huống, đã đứng vững và phát triển trong khi cải tổ, cải cách ở
Liên Xô và Đông Âu bị thất bại.
Hai
là, những thành quả của đổi mới lại tiếp thêm luồng sinh khí mới, tăng thêm động
lực cho nó, tạo cho đất nước ta thế mới, lực mới, gia tốc mới. Thế mới và lực mới
là tổng hợp những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, là kết quả của việc phát
triển mọi mặt với sự thông thoáng trong nước và mở rộng quan hệ hợp tác với bên
ngoài. Gia tốc mới là khả năng vượt trội, là độ tăng trưởng liên tục ở mức khá
cao, tạo đà cho giai đoạn kế tiếp. Thế mới, lực mới, gia tốc mới tạo ra tầm vóc
và khả năng mới của đất nước. Đó không chỉ là khả năng đất nước vươn tầm mà còn
là năng lực mới mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển. Đổi
mới được nạp thêm năng lượng mới.
Ba
là, yếu tố quyết định là động lực và những nguồn lực trong nước. Động lực
quan trọng phục vụ và thúc đẩy công cuộc đổi mới là tổng hợp các nguồn lực
trong nước, bao gồm không chỉ có vốn, tài sản đã tích lũy được mà còn là tài
nguyên chưa đưa vào sử dụng, là lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và quan
trọng hơn hết là nguồn lực con người, bao gồm cả sức lao động trí tuệ và tinh
thần gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Trong các nguồn lực đó, nguồn
lực về tài nguyên là khá phong phú; nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý là khá
thuận lợi; nguồn lực về truyền thống là sâu sắc, đặc thù; nguồn lực về con người
và trí tuệ vô cùng to lớn.
Bốn
là, những nguồn lực từ bên ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng mà nếu biết cách
tranh thủ cũng sẽ tạo nên động lực cho công cuộc đổi mới đất nước. Nguồn lực
bên ngoài bao gồm: Vốn, kỹ thuật-công nghệ, kinh nghiệm quản lý, chất xám, tinh
hoa văn hóa nhân loại. Trên cơ sở phải phát huy mọi nguồn lực trong nước, chúng
ta có đầy đủ điều kiện để có thể thu hút nguồn lực bên ngoài. Với việc mở rộng
nhiều hình thức, có bước đi, biện pháp và chính sách ưu đãi thích hợp, chúng ta
nhất định khuyến khích mạnh mẽ việc hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ
thuật, công nghệ; đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước
ta trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Năm
là, sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Đây là động lực mang tính quyết định đối
với sự nghiệp đổi mới. Động lực đó bắt nguồn từ năng lực sáng tạo, bản lĩnh trí
tuệ của Đảng ta và của nhân dân ta, thể hiện ở trình độ đoán định, nắm bắt những
yếu tố và những vấn đề của thời cuộc, dự kiến đúng tình huống, xác định đường
đi nước bước rõ ràng, sẵn sàng tạo lập và nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ,
vượt qua thách thức đưa đất nước đi lên. Do đổi mới là sự phù hợp giữa ý Đảng
và lòng dân nên khi Đảng ta phát động, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành
động lực to lớn thực hiện có hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước.
Rõ
ràng, công cuộc đổi mới ở nước ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua
35 năm thực hiện mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và
hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn. Hành trình đổi mới
đã và đang kết hợp tất cả 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là động lực
lớn nhất, là yếu tố cơ bản nhất tạo nên khả năng thành công của mục tiêu cao cả:
Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa
xã hội./.
LQT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét