CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

BÁC HỒ NÓI VỀ Ý NGHĨA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - người kế tục trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin khi nói về Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định: Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng triệt để nhất và ngọn đuốc lý luận Mác-Lênin, kinh nghiệm của nó soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.

Bài học đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cần có sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, đã chứng minh nhận định của Bác là hoàn toàn đúng đắn.

Bài học thứ hai, “Thực hiện cho được liên minh công nông... Chỉ có khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo mới có thể kiên quyết và triệt để đánh đổ các thế lực phản cách mạng, giành lấy và củng cố chính quyền nhân dân lao động, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của cách mạng dân tộc, dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất thành công khi xác định lực lượng cách mạng. Theo Người, quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng, nhưng trong khối đại đoàn kết đông đảo ấy phải lấy liên minh công nông làm gốc.

Bài học thứ ba, “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”. Bài học phương pháp bạo lực cách mạng từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng trong phương pháp cách mạng bạo lực, trong nghệ thuật chớp thời cơ lãnh đạo toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cuộc cách mạng giải phóng dân tộc duy nhất do Đảng cộng sản lãnh đạo giành chính quyền về tay nhân dân ở một nước thuộc địa.

Bài học thứ tư, “Không ngừng tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản”. Bài học này đã được Bác nhận thức đầy đủ và vận dụng thành công vào cách mạng Việt Nam, điển hình như: sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã lãnh đạo nhân dân xây dựng và củng cố chính quyền-công cụ thực hiện chuyên chính vô sản.

Bài học thứ năm một bài học rất sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga là, “cần có tinh thần cách mạng triệt để, luôn luôn giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, kiên quyết đấu tranh đến cùng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Vận dụng bài học này vào Việt Nam, Bác chỉ rõ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”(4) và “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”... Thực hiện những lời kêu gọi của Bác, nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đã chiến đấu cực kỳ anh dũng để đất nước được hoàn toàn độc lập, giang sơn thu về một mối.

Bài học thứ sáu của Cách mạng Tháng Mười Nga được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là “Kết hợp chặt chẽ lòng yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản”.

Ði theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Ðảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, ghi lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước./.

NXĐ-H4

0 nhận xét: