Như những
con kền kền chờ xác thối, các thế lực thù địch chực chờ mỗi khi có một vụ án
nào đó, chúng lại bâu vào, tìm hiểu và bịa đặt hàng loạt thông tin liên quan,
hòng lái dư luận theo những mục đích thâm hiểm của chúng, hòng tạo ra sự mất ổn
định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chưa
bàn đến tính chất, nội dung của các bản án, bởi để có được một bản án công
minh, đúng người, đúng tội thì phải có một quá trình thực hiện tố tụng, xét xử
chặt chẽ, khoa học, theo đúng luật định. Nhưng cái cách tiếp cận vụ án của một
số trang mạng xã hội rõ ràng là “có vấn đề”, bởi dường như họ muốn dẫn dắt dư
luận theo cách nghĩ của họ, khiến dư luận nhìn nhận các vụ án một cách méo mó,
đầy nghi ngờ. Mục tiêu cuối cùng của nhiều trang mạng là hướng tới xuyên tạc,
phủ nhận nền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sở dĩ thông tin bịa đặt, thông tin giả về các
vụ án còn tồn tại trên không gian mạng và luôn phát triển với cấp số nhân là vì
mấy vấn đề sau: Thứ nhất, còn nhiều người tin vào những sự “bịa như thật”
trên mạng. Nói về vấn đề này, TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu
quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng nhận xét: Ở Việt
Nam, tốc độ phát triển của internet khá nhanh và lượng người sử dụng rất cao
(khoảng 64 triệu người), trong khi trình độ dân trí của một bộ phận người dân
còn có những hạn chế nên khó phân biệt được tin thật với tin giả lan truyền
trên mạng. Vì vậy, việc nâng cao dân trí thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục... là rất cần thiết, đây chính là cái gốc sâu xa nhằm giải quyết vấn đề dư
luận sẽ đi theo chiều cạnh nào khi tiếp nhận biển cả thông tin mênh mông. Thứ hai, còn nhiều nhà mạng thiếu trách
nhiệm với những thông tin mà mình cung cấp, điều nguy hại hơn là họ còn trả tiền
cho cả những thông tin giả, thông tin bịa đặt. Với vai trò là cung cấp nền tảng
hơn là vai trò của nhà xuất bản, các nhà mạng lớn trên thế giới hiện nay có vẻ
không quan tâm đến độ chính xác của các thông tin, vì thế các thông tin thất
thiệt hầu như không bị can thiệp, mặc sức hoành hành trên mạng. Thực tế hiện
nay, mạng xã hội không khác gì "chợ truyền thông", trong đó lẫn lộn cả
thông tin tốt lẫn thông tin xấu độc. Có lẽ đã đến lúc cần phải nghiên cứu xây dựng
các đạo luật, hoặc các công ước có tính quốc tế nhằm quản lý tình trạng trên,
không thể để tình trạng vì tiêu chí tự do ngôn luận mà xâm hại các quyền hợp
pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là quyền lợi chính đáng của một quốc gia. Mục
tiêu của các nhà mạng là kiếm tiền từ thông tin thì dứt khoát phải chịu trách
nhiệm về tính xác thực của các thông tin mà mình đóng vai trò hỗ trợ cung cấp.
Trong một cái chợ thì ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng
trộm cắp, bất lương của cái chợ đó.
Thứ ba, việc cung cấp thông tin chính thống có
lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Về vấn đề này, có lần trao đổi với chúng tôi,
nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn
hóa Trung ương cho rằng: Cơ chế thông tin của Nhà nước ta là dân chủ và minh bạch,
tuy nhiên đối với từng cơ quan cụ thể, có lúc chưa làm tốt vấn đề này, chính vì
vậy mới tạo ra kẽ hở để một số tổ chức, cá nhân có dã tâm lợi dụng, hòng trục lợi
và mưu đồ chống phá. Do đó, việc thông tin những vấn đề quan trọng có liên quan
tới quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hóa... của các tầng lớp nhân dân cần
phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện và sâu kỹ. Khi có thông
tin đích thực, chính thống, có nghĩa là dư luận đã được định hướng, không còn sự
ngả nghiêng, nghi ngờ giữa cái thật và không thật. Báo chí chính thống, cách mạng
phải giữ vững vai trò chủ đạo trong thông tin chân thực, tuyệt đối không để lợi
ích cục bộ che lấp bản chất cách mạng của các nhà báo, cơ quan báo chí.
Giải quyết được 3 vấn đề trên có nghĩa là
chúng ta đã thực hiện được những yếu tố cơ bản, góp phần làm trong sạch môi trường
truyền thông, tạo điều kiện tốt nhất để dư luận tiếp cận các thông tin đúng,
chân thực, loại bỏ các thông tin xấu độc, giả mạo để người dân hiểu đúng bản chất
sự việc, sự thật./.
NBL-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét