CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “CHÍNH TRỊ TRỌNG HƠN QUÂN SỰ” TRONG CHỈ THỊ THÀNH LẬP ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

        Giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao Bắc Lạng. Tuy đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở rộng rãi.



          Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy Người đã ra chỉ thị về việc thành lập một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên du kích năng nổ. Trên cơ sở đó, tháng 9 năm 1944, một số cán bộ chính trị và đội viên du kích của Việt Minh, tập hợp thành 3 đội vũ trang tập trung của Tam Kim, Hoa Thám, Chí Kiên, đã được triệu tập dự lớp huấn luyện 20 ngày tại rừng Khuổi Cọ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Hoàng Sâm làm giảng viên. Giữa tháng 12 năm 1944, một chỉ thị viết tay, để trong vỏ bao thuốc lá, của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nội dung chỉ thị như sau:

                        Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam[i].

Trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh xác định: Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Luận điểm này của Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất, chức năng, nhiệm vụ và phương hướng xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, tư tưởng đó được biểu hiện cụ thể trên các nội dung cơ bản sau:

Một là, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội khi mới thành lập là “tuyên truyền”. Nhiệm vụ của “đội tuyên truyền” là phải “dìu dắt, giúp đỡ, huấn luyện” các đội vũ trang ở các địa phương để ngày một phát triển tiến lên, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Mặt khác, còn phải “tuyên truyền, vận động” quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

 Trong quá trình tổ chức và xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh cho rằng, quân đội không thuần túy thực hiện nhiệm vụ quân sự, mà là một tổ chức vũ trang, một tổ chức quân sự của Đảng, của cách mạng vì vậy quân đội phải thực hiện những nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng, của cách mạng Việt Nam.

Hai là, mối quan hệ giữa chính trị và quân sự

Theo Hồ Chí Minh, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải bắt đầu từ việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng. Người cho rằng, trước hết phải thành lập các tổ chức chính trị của quần chúng, như: Thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, binh lính cứu quốc… Hồ Chí Minh chỉ rõ: Muốn có đội quân vũ trang phải có đội tuyên truyền vận động - đội quân chính trị trước đã. Nên việc này phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông…Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được. Trên cơ sở xây dựng các tổ chức chính trị, phải thành lập các đội tự vệ, du kích và thông qua các tổ chức này mà chọn lọc “số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”.

Như vậy, lực lượng chính trị là nền tảng, là cơ sở để phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Chính trị có vững thì tư tưởng mới thông, quyết tâm mới cao, trí tuệ mới sáng, khả năng khắc phục khó khăn, gian khổ mới lớn, kỷ luật mới nghiêm và mới tạo ra sức mạnh để đánh thắng kẻ địch. Người khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[ii]. Có chính trị đúng sẽ có tư tưởng tốt, sẽ có ý chí quyết tâm cao, sẽ có lòng yêu nước. Theo Hồ Chí Minh, vai trò quan trọng của lực lượng chính trị không chỉ tồn tại ở thời điểm thành lập mà ngay cả khi lực lượng vũ trang nhân dân đã tồn tại một cách độc lập thì chính trị vẫn trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến và giữa hai lực lượng này vẫn có mối quan hệ hết sức bền chặt.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, địch quân sự mạnh nhưng chính trị yếu hơn ta. Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị nhưng thắng lợi chính trị sẽ làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn. Bởi vậy, đấu tranh quân sự phải gắn liền với đấu tranh chính trị, văn hóa, phát huy thế mạnh chính nghĩa của ta, vạch trần bản chất phi nghĩa của địch, tạo điều kiện cho đấu tranh quân sự phát triển. Theo Hồ Chí Minh, “chiến tranh ngày nay không riêng gì về mặt quân sự, mà cả về chính trị, kinh tế, văn hoá nữa. Chiến tranh về mặt văn hoá hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng. Mục đích của nó là làm ly gián quân địch, làm nhụt chí chiến đấu của bên địch”[iii]. Trên mặt trận văn hóa, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn thâm hiểm hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm lung lạc ý chí chiến đấu của nhân dân ta. Do vậy, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” và “anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” để đấu tranh xóa bỏ nền văn hóa nô dịch của địch, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Thời gian càng lùi xa, tư tưởng “Chính trị trọng hơn quân sự” của Người vẫn nguyên giá trị lý luận và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay và mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, tư tưởng đó đã và đang được Đảng ta quán triệt và vận dụng sâu sắc để xây dựng Quân đội nhân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

N.X.T-H1



[i] T3, tr.539

[ii] T7, tr.217

[iii] T4, tr.366

2 nhận xét:

Tia Chớp nói...

chính trị trọng hơn quân sự

Nặc danh nói...

Tư tưởng của Bác vẫn còn nguyên giá trị với quân đội ta hiện nay