Trong 2 năm qua, Việt Nam phòng, chống đại dịch
COVID-19 trong điều kiện bị động; hầu như toàn bộ trang thiết bị, máy móc,
sinh phẩm, vaccine và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu; nền kinh tế còn khó
khăn; các biện pháp công nghệ cũng chưa bảo đảm; việc phân cấp, phân quyền còn
không ít bất cập. Tuy nhiên, Việt Nam đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Với việc Chính phủ đề
ra 6 nguyên tắc phải quán triệt sâu rộng trong toàn bộ hệ thống xã hội: Y tế là
trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công
nghệ là then chốt; ổn định chính trị-xã hội là trọng yếu và thường xuyên;
vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để
sản xuất, sản xuất phải an toàn. Phải kết hợp hài hòa giữa tổng thể và cụ thể,
giữa phổ biến và đặc thù, chính sách chung nhưng tổ chức thực hiện phải linh hoạt,
phù hợp đặc thù từng nơi, từng thời điểm.
Chính phủ đang
khẩn trương xây dựng hướng dẫn tạm thời để thực hiện chủ trương chuyển trạng
thái từ “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả
dịch COVID-19”. Tuy nhiên, do chính sách có phạm vi rộng lớn, song lại khoanh hẹp
đến tận phường, xã, thị trấn, đến tổ dân phố, ấp, bản, thôn và tác động tới toàn
bộ các đối tượng là nhân dân, doanh nghiệp… nên phải có bước đi thận trọng, chắc
chắn, rõ đến đâu làm đến đó, vừa làm vừa bổ sung, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm rồi
hoàn thiện dần. Để chiến thắng đại dịch COVID chúng ta cần phải nhận thức
mới và thực hiện “trạng thái bình thường mới” trong phòng , chống dịch COVID-19.
“Trạng thái bình thường mới” được dùng để
đề cập tới sự thay đổi về các hoạt động, quan hệ xã hội và hành vi con người sau
đại dịch COVID-19. Dịch COVID-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu
trúc xã hội mang tính lâu dài. “Trạng thái bình thường mới” hiểu đơn giản
là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây được cho
là bất bình thường thì sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều
mà trước đây chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, trong điều kiện mới bắt
buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới.
“Trạng thái
bình thường mới” COVID-19 là trạng thái mà tại đó đất nước vừa tập trung chống
dịch, vừa khôi phục và phát triển lại nền kinh tế như lúc ban đầu.
Có 4 điểm đặc trưng để nhận diện “trạng thái bình thường mới”, đó
là:
1) Khi làm bất
kỳ việc gì, phải vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa đảm bảo mục tiêu;
2) Dịch bệnh là
vấn đề diễn ra trên quy mô toàn cầu, tình huống bất thường không ai đoán trước
được, tác động đến mọi giai tầng xã hội, không phụ thuộc vào trình độ phát triển
hay thể chế chính trị;
3) Tác động của
dịch bệnh đòi hỏi mỗi con người, tổ chức và toàn bộ hệ thống xã hội phải năng động
và có khả năng chống chịu và thích ứng với bối cảnh mới;
4) Đặt ra nhiều
vấn đề phải định hình lại, phải đối mặt với nhiều rủi ro xã hội: dịch bệnh,
thiên tai, biến đổi khí hậu...
Để thực hiện “trạng
thái bình thường mới” các tổ chức đảng, chính quyền nhà nước và các đoàn thể
chính trị xã hội cần thực hiện một số biện pháp sau:
Phải tăng cường
vai trò lãnh đạo của Đảng và cấp uỷ các cấp trong công tác phòng, chống
COVID-19. Đặc biệt, phải khắc phục tình trạng chậm chạp trong tổ chức thực
hiện, điều này đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đòi hỏi phải tăng cường vai
trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, cấp uỷ các cấp. Đồng thời, đòi hỏi Nhà nước
phải thiết kế và vận hành mô hình “sống chung an toàn với COVID” ở các loại
hình hoạt động và quan hệ xã hội khác nhau. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ có
điều kiện tốt hơn để tập trung để giải quyết những vấn đề trọng yếu phù hợp với
vai trò của Nhà nước trong bối cảnh tình huống bất thường.
Đội ngũ cán bộ
các cấp và hoạt động lãnh đạo, quản lý cần phải có tư duy, tầm nhìn, chính sách
hành động mới, bao gồm: 1) Phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa,
xã hội và môi trường; 2) Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; 3) Sự
thay đổi về nhận thức và thực tiễn về vai trò và mối quan hệ “Nhà nước - Thị
trường - Xã hội”; 4) Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền
vững; 5) Hình thành và phát triển các giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị
quốc gia - dân tộc; 6) Thực hiện “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và phát
triển kinh tế phải đáp ứng nguyên tắc “cân bằng đông”; phải có sự ưu tiên trong
từng bối cảnh cụ thể.
Các chính
sách của Nhà nước và các địa phương cần cân đối giữa phòng chống dịch, bảo toàn
nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề lao động
và phục hồi kinh tế. Cần phải duy lý tối đa, tiếp cận đa-liên-xuyên ngành
khi đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên thực tế.
Các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của không được vượt quá mức cần thiết.
Những giải pháp phòng chống dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất,
tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa, nguy cơ tạo ra tình cảnh thất nghiệp,
thiếu ăn đối với người dân phải sớm được sửa đổi. Sớm ban hành quy trình: nghe
dân, hỏi dân để làm cơ sở ra những quyết định đúng pháp luật, đúng với nguyện vọng
của người dân, doanh nghiệp, để thực sự đúng với tinh thần chỉ đạo là “dân biết,
dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”.
Các cơ quan chức
năng cần tiến hành tổng kết phân tích, so sánh trên cơ sở tiếp cận đa – liên - xuyên
ngành khoa học về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 ở các địa phương.
Trên cơ sở đó, tìm ra cách làm hay, cách quản lý thống nhất, cách đánh giá thống
nhất về nguy cơ dịch bệnh để áp dụng các biện pháp an sinh xã hội, chăm sóc F0
và theo dõi F1, F2… ngay tại cộng đồng với đầy đủ thuốc men, phác đồ điều trị
và các điều kiện đảm bảo an sinh, an toàn.
Các Ban chỉ đạo
phòng, chống dịch COVID-19 ở các cấp cần tính toán kỹ lưỡng cần nhấn mạnh “tính
chất động” để áp dụng các biện pháp y tế và hành chính phù hợp theo Chỉ thị 15,
16, 19 hay “trạng thái bình thường mới”. Lộ trình trở lại trạng thái “trạng
thái bình thường mới” của các địa phương với những bước thực hiện được cần lựa
chọn phù hợp, kịp thời và rõ ràng để mọi cá nhân, nhóm xã hội, cộng đồng và tổ
chức cùng thống nhất trong nhận thức và hành động.
Đại dịch
COVID-19 đã và đang thay đổi cách sống, làm việc và kết nối của con người trong
xã hội. Đại dịch COVID-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc
gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách thích hợp và khôn
khéo. Chính sách ứng phó trong “trạng thái bình thường mới” do dịch COVID-19, lấy
phục hồi và phát triển kinh tế là trung tâm nhưng để phát triển bền vững thì
con người và môi trường mới là cái đích và nền tảng mà Đảng và Nhà nước ta đã
nhiều lần khẳng định./.
NBL-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét