“Văn hóa còn thì
dân tộc còn” là khẳng định hết sức đúng đắn về vị trí và vai trò của văn hóa
trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời là một trong những yếu
tố mà từ khi ra đời, tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến nay, Đảng ta luôn
luôn cùng toàn dân nỗ lực bảo đảm, phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã
và đang xuất hiện một số hiện tượng có thể đẩy tới nguy cơ phai nhạt bản sắc
văn hóa dân tộc đòi hỏi cần được kịp thời chấn chỉnh. Qua những chặng đường lịch
sử của dân tộc, từ quá trình dựng nước, giữ nước đến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ngày nay, dù trải qua nhiều biến động, thăng trầm nhưng chúng ta luôn hướng đến
một nền văn hóa lấy con người làm trung tâm, và xây dựng nền văn hóa của dân,
do dân, vì dân. Khi lãnh đạo dân tộc tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc,
giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, từ nhận thức, nắm bắt các vấn đề mới
của thực tiễn mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bổ sung nội dung mới cho khái niệm
văn hóa, để văn hóa luôn “soi đường cho quốc dân đi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã khẳng định.
Từ năm 1943, “Đề
cương văn hóa” của Đảng đã nêu lên ba yếu tố then chốt, là mục tiêu xây dựng nền
văn hóa Việt Nam là dân tộc - đại chúng - khoa học. Vì thế, từ quá trình vận động,
tuyên truyền, giác ngộ quần chúng làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đến trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta đã xây dựng được vị trí tiên phong của nền văn
hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại
ngày nay như Đảng ta tổng kết. Đó chính là di sản lớn lao thấm đẫm mồ hôi và
máu của bao lớp đồng chí, đồng bào đi trước mà thế hệ hôm nay và mai sau phải
giữ gìn, phát huy; cũng là kế tục xứng đáng các giá trị cốt lõi của truyền thống
anh hùng, đầy tính nhân văn đã được cha ông xây dựng từ hàng nghìn năm trước,
và trao lại cho chúng ta. Có thể thấy, khi đề ra đường lối phát triển văn hóa
Việt Nam, dù trong giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Đảng
ta cũng luôn đề cao tính dân tộc. Và nổi lên là bản sắc văn hóa dân tộc với những
giá trị văn hóa tốt đẹp của tổ tiên, ông cha phải được giữ gìn, phát huy. Có thể
coi đây chính là “tấm căn cước” để mỗi người Việt Nam hội nhập với thế giới.
Văn hóa còn thì dân
tộc còn là ở đó. Hòa nhập song không hòa tan cũng ở đó. Truyền thống tốt đẹp
khi biết giữ gìn và phát huy không hề mâu thuẫn, đối lập với đổi mới, tiến bộ,
hiện đại. Bởi, trong tổng hòa nguồn lực để xây dựng văn hóa hôm nay, có các giá
trị được cha ông tạo dựng từ quá khứ. Tuy vậy nhìn vào bối cảnh hiện tại, dù
chúng ta đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội - con người, thì vẫn phải
thẳng thắn nói rằng vẫn còn có không ít biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa đáng băn
khoăn, trăn trở. Đó là những biểu hiện lệch lạc, nông cạn trong nhận thức về
văn hóa của một bộ phận xã hội./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét