Từ năm 1986, trong tinh thần đổi
mới chung của toàn xã hội, Đảng đã xác định văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời
sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản
xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống. Quan điểm
này đưa đến nhận thức rõ nét về sự gắn bó mật thiết của văn hóa với mọi mặt đời
sống và sự phát triển của văn hóa là thước đo sự phát triển chung của đất nước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII "Về xây dựng và phát triển nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã khẳng định văn hóa là nền
tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển
kinh tế - xã hội. Hàm nghĩa phát triển văn hóa ở đây được thể hiện rõ hơn, phát
triển nền văn hóa tiên tiến vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa thế giới, vừa giữ
được bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 9 khóa XI, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh, xây dựng nền văn hóa
và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện - mỹ, thấm nhuần
tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được
đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh
quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh hun đúc
nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước
và giữ nước; khẳng định cần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế. Phát triển văn hóa là thúc đẩy sức mạnh nội sinh, đưa văn hóa vào
trung tâm của quá trình phát triển phù hợp với bối cảnh mới, văn hóa phải gắn kết
chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, hiện nay khái
niệm phát triển văn hóa đã trở nên phổ biến với cách hiểu rộng hơn và những ý
nghĩa sâu sắc hơn. Phát triển văn hóa với ý nghĩa hướng đến sự phát triển toàn
diện. Nếu phát triển kinh tế mà bỏ qua văn hóa sẽ dẫn đến sự mất ổn định, thậm
chí là khủng hoảng xã hội. Chính vì vậy, sự gắn kết văn hóa với phát triển kinh
tế sẽ đưa đến sự phát triển đa chiều, toàn diện và bền vững. Không thể có sự
phát triển xã hội đúng nghĩa nếu không có phát triển văn hóa và phát triển vì mục
tiêu văn hóa.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia
lĩnh vực văn hóa học, phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chiến lược lớn hướng đến
các mục tiêu căn bản là phát triển xã hội. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2030,
các mục tiêu căn bản cần tiếp tục thực hiện như: Nâng cao nhận thức về văn hóa,
nhìn nhận văn hóa trong sự đa dạng, công bằng, văn hóa có mặt trong mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội. Nêu cao tinh thần phát triển từ văn hóa, vì mục tiêu văn
hóa và đưa tinh thần đó thấm nhuần vào trong các thực hành xã hội và các chính
sách. Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người và vận hành các giá
trị văn hóa đó để trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế,
chính trị, ngoại giao cho đất nước.
Cùng với đó, xây dựng nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới; xây dựng nền
văn hóa vừa hội nhập tốt với thế giới, vừa đề cao được bản sắc văn hóa dân tộc,
xây dựng nền văn hóa tiên tiến trên nền tảng vững chắc của văn hóa truyền thống
54 dân tộc và lòng tự hào về văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Ngoài ra, cần khai thác tối đa
nguồn lực văn hóa trong phát triển. Nguồn lực văn hóa rất đa dạng như các di
tích khảo cổ học, các đi tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, các quần
thể kiến trúc văn hóa, hệ thống các bảo tàng, hệ thống các cảnh quan văn hóa đặc
trưng, các loại hình nhà truyền thống, lễ hội, phong tục, tập quán, ẩm thực,
trang phục, các sinh hoạt nghệ thuật, đời sống văn hóa làng, bản, thôn,…các loại
hình tri thức dân gian,... của 54 tộc người trên cả nước. Các ngành, nhất là
ngành văn hóa cần xác định đúng và đưa nguồn lực này vận hành linh hoạt trong
các chiến lược phát triển chung và chiến lược phát triển cụ thể của từng lĩnh vực,
như du lịch văn hóa, ngoại giao văn hóa,...
Nhìn nhận đúng vai trò của sự đa
dạng văn hóa, coi đa dạng văn hóa là nguồn lực quan trọng trong phát triển, là
mạch nguồn giúp các tộc người có được bản lĩnh và sự chủ động trong bảo tồn và
phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa
hiện nay.
Theo đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu
chuyên sâu, nghiêm túc bài bản trên cả phương diện lý luận và thực tiễn văn
hóa. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành nghiên cứu văn hóa, quản
lý văn hóa trong việc bảo đảm mỗi liên kết hiệu quả giữa kết quả nghiên cứu cơ
bản và việc tư vấn chính sách. Chuyển hóa tốt nhất các kết quả nghiên cứu thành
các chính sách, chương trình hành động phù hợp và hiệu quả. Nghiên cứu cần đi
trước một bước để tạo ra các tiền đề lý luận và thực tiễn cho việc triển khai
các công tác văn hóa. Đầu tư hiệu quả và thường xuyên hơn cho nghiên cứu cơ bản,
khuyến khích những nghiên cứu phản biện chính sách một cách khách quan và thẳng
thắn, chỉ ra những nút thắt, những điểm nghẽn cần tháo gỡ để các chính sách văn
hóa đi vào cuộc sống. Đầu tư thích đáng hơn cho công tác đào tạo đội ngũ các
nhà nghiên cứu văn hóa, tạo ra đội ngũ có chuyên môn nghiệp vụ cao trong nghiên
cứu, sống được bằng nghề và tâm huyết với nghề. Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng
các lý thuyết nghiên cứu văn hóa, các kinh nghiệm quản lý văn hóa trên thế giới
vào thực tế Việt Nam, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh đó, ưu tiên tối đa nguồn
lực để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng tốt nhu cầu nguồn
nhân lực cho phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế, kiên định lập trường chính trị, tư tưởng, có trí tuệ, đạo
đức, thể chất, năng lực sáng tạo tốt, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có
lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có tính nhân văn, lối sống văn hóa, khoan dung.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng văn
hóa trong kinh tế và chính trị, đầu tư cho văn hóa ngang hàng cho kinh tế, đi
sâu vào từng quá trình sản xuất, từng sản phẩm kinh tế. Văn hóa phải thành yếu
tố bên trong giúp định vị cơ cấu và vận hành hệ thống chính trị.
Ngoài ra, xây dựng văn hóa trở
thành hệ điều tiết để góp phần ổn định xã hội; tạo dựng môi trường văn hóa lành
mạnh từ trong gia đình, cộng đồng đến ngoài xã hội, trong đó mỗi cá nhân ý thức
được về hành vi của mình luôn nằm trong những ràng buộc về đạo đức, nhân cách
và trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Tăng cường sức mạnh của hệ điều tiết
này bằng những chuẩn mực xã hội, dư luận cộng đồng do chính người dân xây dựng,
duy trì và thực hiện thường xuyên. Một xã hội được điều tiết bởi văn hóa chắc
chắn là một xã hội hài hòa và phát triển toàn diện.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động văn hóa và thực hiện văn hóa pháp luật trong toàn xã hội, đưa các hoạt động
văn hóa đi vào chiều sâu, chú ý đến tính hiệu quả, tránh hình thức, bề nổi. Cần
xây dựng văn hóa pháp luật và đưa văn hóa pháp luật thấm sâu vào lối sống, nếp
suy nghĩ và hành vi của mỗi người dân, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật, vì vậy chính những cơ quan làm ra luật, và những người thực thi pháp
luật cần thực hiện tốt văn hóa pháp luật.
Nâng tầm hội nhập quốc tế về văn
hóa, vừa tiếp nhận được tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời
đại, giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa. Xác định bản sắc văn hóa dân tộc là
cơ sở cốt lời bảo đảm cho sự giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế được bền vững
và không bị hòa tan. Xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa lành mạnh, phát
triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp hóa trong phát triển nguồn lực
văn hóa./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét