Có thể thấy, nguyên nhân của lối
suy diễn tiêu cực nêu trên trước hết là do nhận thức của một số cá nhân chưa
đúng, bị tác động bởi những luận điệu sai trái do các thế lực thù địch và phần tử
phản động rêu rao, xuyên tạc. Những biểu hiện này không phải đến bây giờ mới diễn
ra mà nó tồn tại âm ỉ, là một mặt trái của đời sống xã hội, khi có tình huống
tác động lại bùng lên cục bộ. Chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu
dài, cam go, phức tạp. Trong xã hội có giai cấp, không một quốc gia, dân tộc
nào có thể triệt tiêu hoàn toàn tham nhũng. Vai trò của đảng cầm quyền và hiệu
lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật chỉ có thể ngăn chặn, xử lý, hạn chế đến mức
thấp nhất các hành vi tham nhũng.
Ở nước ta, cuộc đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực chính là để làm trong sạch bộ máy, để hệ thống chính
trị phục vụ ngày một tốt hơn quyền và lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, việc
điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có
mục đích nào khác ngoài việc để cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị xứng
đáng hơn với niềm tin và sự phó thác của nhân dân.
Với bản chất nhân đạo, nhân văn
xã hội chủ nghĩa, việc kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng
viên tham nhũng, tiêu cực là để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, với
tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”... Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, khẳng định, kỷ luật, xử lý đồng
chí, đồng đội của mình là rất day dứt, đau xót, nhưng đó là việc phải làm,
không thể khác được. Phải làm nghiêm, làm mạnh để ai cũng phải có ý thức giữ
mình trong sạch, ai đã trót “nhúng chàm” thì phải tự gột rửa để xứng đáng hơn với
niềm tin, sự gửi gắm của nhân dân.
Như vậy, để Đảng thực sự trong sạch,
vững mạnh thì việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị phải làm thường xuyên, kiên trì, kiên
quyết. Việc nhiều cán bộ cấp cao, đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương... suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng bị điều tra,
xử lý là một tổn thất, một nỗi đau của Đảng, nhưng để cơ thể khỏe mạnh, không
thể không “phẫu thuật” cắt bỏ những “khối u”, những “tế bào” độc hại...
Thời kháng chiến chống thực dân
Pháp, ở Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trắng đêm trăn trở, dằn
vặt, day dứt trước khi quyết định xử tử Trần Dụ Châu vì tội biển thủ công quỹ,
nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Dù rất đau đớn, nhưng Người đã bác
đơn xin ân giảm án tử hình của Trần Dụ Châu. Người nói: “Nếu phải giết đi một
con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc
làm nhân đạo”. Vụ án chống tham nhũng điển hình xảy ra cách đây hơn 70 năm, đến
nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Quan điểm nhân văn, nhân đạo của Chủ tịch Hồ
Chí Minh khi xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực là sự thể hiện vừa bao quát vừa
cụ thể tính nhân văn xã hội chủ nghĩa, tất cả đều vì tiền đồ của đất nước, vì
cuộc sống của nhân dân.
Với tinh thần “Chống dịch như chống
giặc”, nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua thực sự là một cuộc chiến của
toàn Đảng, toàn dân. Lôi ra được những “con sâu” trong bộ máy công quyền, lợi dụng
dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch để trục lợi là sự cố gắng nỗ lực, vào
cuộc quyết liệt của các cơ quan, lực lượng chức năng, thể hiện tinh thần, ý chí
đấu tranh của Đảng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...
Là cán bộ, đảng viên, chúng ta
không vui sướng, hả hê khi đồng chí, đồng đội mình suy thoái, biến chất, nhưng
cũng không thể thờ ơ, bàng quan, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không
đấu tranh; càng không thể chỉ thấy hiện tượng mà quên bản chất, dẫn đến nảy
sinh tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm... Để thúc đẩy phát triển, phải gắn chặt
giữa đoàn kết và đấu tranh, giữa xây và chống với tinh thần lấy xây để chống.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, khi Đảng, Nhà nước ta ngày
càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, những thành phần “sâu mọt” trong nội bộ tổ chức
đảng và hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được lôi ra ánh sáng công lý.
Với nhận thức, bản lĩnh của cán
bộ, đảng viên, chúng ta phải đi sâu vào bản chất, đặt lợi ích của quốc gia, dân
tộc, quyền lợi của nhân dân lên trên hết để thấy rõ tính nhân đạo, nhân văn của
Đảng. Những luận điệu cho rằng, Đảng, Nhà nước “thanh trừng nội bộ”, “tranh
giành quyền lực”, “đấu đá phe cánh”... thực chất là những luận điệu phản động,
hại dân, hại nước. Cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong hệ thống chính
trị cần nêu cao bản lĩnh, nhận thức thấu đáo bản chất vấn đề để củng cố trận địa
tư tưởng chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức, xây dựng và tăng cường lòng tin
trong nhân dân đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét