Thực hiện chiến lược “Diễn biến
hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thế lực thù
địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách chống phá, bôi nhọ,
hạ thấp uy tín, thanh danh của Đảng, nhất là dịp diễn ra các sự kiện lớn của
đất nước, nhằm tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và cộng
đồng quốc tế. Vì thế, nhận diện và kiên quyết đấu tranh bảo vệ uy tín,
thanh danh của Đảng; định hướng nhận thức tư tưởng, hành động cho cán bộ, đảng
viên và nhân dân là vấn đề căn bản, cấp thiết, lâu dài.
Thời gian qua, lợi dụng, khoét sâu
vào những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật Nhà nước; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, chống phá, phủ nhận thành
tựu của công cuộc đổi mới đất nước,... là một trong những thủ đoạn tinh vi, xảo
quyệt của các thế lực thù địch. Một mặt, họ phủ nhận và cho rằng, chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát
triển của thời đại; mặt khác tăng cường cổ súy cho “xã hội dân sự”, kêu gọi
thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tạo tiền đề thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.
Đồng thời, tích cực truyền bá lối sống phương Tây, bao biện rằng chủ nghĩa tư bản
đã thay đổi bản chất, không còn áp bức, bóc lột; vu cáo Việt Nam “đàn áp” dân
chủ, nhân quyền, thúc đẩy phong trào “bất tuân dân sự”; kích động, chia rẽ nội
bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, xúi giục, lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình,
gây rối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở
thực hiện “canh tân đất nước”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, tiến tới thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Đặc biệt, vào dịp diễn ra các sự
kiện chính trị lớn, như: Đại hội Đảng toàn quốc, hội nghị Ban Chấp hành Trung
ương, bầu cử đại biểu Quốc hội,… chúng tăng cường xuyên tạc nội dung dự thảo
các văn kiện Đại hội, nghị quyết các hội nghị; bịa đặt, bôi nhọ đời tư, uy tín,
danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các đồng chí được đề cử, ứng cử
vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa mới. Khi muốn “hạ
bệ” cá nhân nào đó, họ tập trung khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm của
các ban, bộ, ngành, lĩnh vực mà cá nhân đó phụ trách, hoặc dựng chuyện, bịa đặt,
bóp méo bản chất các vụ việc liên quan rồi quy kết trách nhiệm cá nhân, không đủ
tiêu chuẩn quy hoạch nhân sự đại hội. Họ còn rêu rao rằng: Ở cả Trung ương và địa
phương “các phe cánh trong Đảng luôn thanh trừng lẫn nhau”, “Đại hội Đảng là
nơi đấu đá, tranh giành quyền lực của các phe phái”; từ đó, kích động, chia rẽ
đoàn kết nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang tư tưởng trong cán bộ, đảng
viên, nhân dân.
Trong công tác cán bộ, họ cho rằng:
việc quy hoạch cán bộ chủ chốt của Đảng đã “tước đi quyền tự do, dân chủ trong ứng
cử, đề cử và bầu cử”. Đại hội bầu ra các vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống
chính trị chỉ mang tính hình thức, thực chất là “củng cố, thâu tóm quyền lực”
cho phe cánh của đồng chí A, đồng chí B, v.v. Thế mới có chuyện, mỗi khi có cán
bộ được bổ nhiệm, nhất là cán bộ trẻ, họ lại “truy lùng” xem đó là con, cháu của
ai? mà không cần biết phẩm chất, năng lực của cán bộ đó. Gần đây nhất, trong thời
gian diễn ra Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã xuất hiện nhiều bài viết “nở
rộ như nấm sau mưa” trên các trang mạng xã hội tung tin đồn thổi, bình luận về
nội dung hội nghị, rằng: sẽ có cuộc tranh giành quyền lực, đấu đá giữa các phe,
nhóm tại hội nghị lần này và suy diễn, bình luận việc “rời ghế” của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Điển hình, trang facebook Tiếng Dân News có bài “Những biến cố
trước Hội nghị Trung ương 5”, “Hội nghị Trung ương 5 và nội tình của Đảng”;
facebook Việt Tân có bài “Khảo sát ý kiến độc giả về tương lai chính trị của
ông Nguyễn Phú Trọng”, v.v.
Một cách tinh vi hơn, các thế lực
thù địch còn soạn thảo, phát tán các tài liệu trên internet, mạng xã hội núp
bóng dưới chiêu trò “Thư ngỏ”, “Bản kiến nghị” của “nhân dân” để gieo rắc hoài
nghi, lừa bịp dư luận,... hoặc thông qua các trang web, kênh phát thanh, truyền
hình Việt ngữ (BBC, VOA, RFA, RFI,…) để đăng tải, phát các chương trình, bài viết,
tài liệu, báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội một số nước, nhất
là báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số
tổ chức quốc tế, như: mạng lưới nhân quyền Việt Nam; Tổ chức người bảo vệ nhân
quyền; Theo dõi nhân quyền quốc tế, v.v. Ngoài ra, họ còn lập hàng nghìn trang
web, blog, mạng xã hội; hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản, hàng chục đài
phát thanh có chương trình tiếng Việt phục vụ cho việc tuyên truyền, chống phá.
Một số tổ chức phản động lưu vong: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời,
Hội anh em dân chủ,... thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tiếp,
trực tuyến được livestream trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tuyên truyền,
xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tự do tôn giáo,… thu hút sự quan tâm của dư luận, kêu gọi quốc tế can thiệp
vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Đấu tranh với hoạt động tuyên truyền,
xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị bảo
vệ nền tảng tư tưởng, uy tín, thanh danh của Đảng là “cuộc chiến” đầy cam go,
thách thức, song với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân, chúng ta nhất định thành công, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi công cuộc đổi
mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét