Công tác văn
hóa, văn nghệ là một bộ phận đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng – văn
hóa nói riêng, công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt
Nam nói chung. Trải qua hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội,
kể cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất của chiến tranh, văn hóa, văn nghệ
đã không chỉ là “món ăn tinh thần” mà còn trở thành động lực quan trọng của
công tác chính trị-tư tưởng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
Hiện nay, với yêu cầu cao của quá trình hiện đại hóa Quân đội và những nhiệm vụ
khó khăn, phức tạp trong điều kiện cùng cả nước phòng, chống đại dịch Covid-19,
văn hóa, văn nghệ càng phải thực sự phát huy vai trò mũi nhọn xung kích để giữ
vững trận địa chính-trị tư tưởng, làm cội nguồn, nền tảng cho những chiến công
mới của Quân đội ta.
Những năm gần
đây, dưới sự soi sáng của đường lối văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa, công
tác văn hóa, văn nghệ của Quân đội đã có những bước phát triển mới rất đáng ghi
nhận. Hoạt động văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp được quan tâm đầu tư cả về
nhân lực, vật lực và được tạo cơ chế thông thoáng trong vận hành. Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp là Cục Tuyên huấn, Phòng Văn
hóa, Văn nghệ (Cục Tuyên huấn) đã thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, hướng
dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Hoạt động văn hóa, văn nghệ
Quân đội đã: “bám sát các sự kiện, nhiệm vụ chính trị. Phối hợp tổ chức tốt các
hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước
và Quân đội” như: “Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
30 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày Thành lập QĐND Việt Nam, 60
năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân; 60
năm Ngày Mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn”(1) . Quân
đội đã tích cực quy hoạch, kiện toàn hệ thống các thiết chế văn hóa-văn nghệ
chuyên nghiệp gồm: 2 tạp chí văn hóa, văn nghệ; 11 bảo tàng; 4 nhà hát; hàng chục
đoàn văn công, đội tuyên văn của các đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng; hàng chục
thư viện lớn nhỏ; hàng chục đội chiếu bóng lưu động;…Những thiết chế đó, cùng với
đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, nhiều người đứng ở vị trí gạo cội, xuất sắc của nền
văn học-nghệ thuật Việt Nam đã được động viên, phát huy để mang đến những giá
trị văn hóa, tinh thần sâu sắc, hấp dẫn, góp phần xây dựng thẩm mỹ quan tốt đẹp
cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Nhiều sáng
tác văn học-nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay
thuộc các loại hình như: văn chương (ký, tản văn, thơ, trường ca, tiểu thuyết,
truyện ngắn); loại hình thông tin (triển lãm, quảng cáo, thông tin cổ động); loại
hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử); loại hình xuất bản (sách
viết, sách điện tử, DVD, CD, tranh ảnh, lịch); loại hình nghệ thuật biểu diễn
(kịch, chèo, ca múa nhạc, văn nghệ quần chúng, lễ hội, nhiếp ảnh); v.v…đã ra đời,
có giá trị nghệ thuật cao lồng ghép khéo léo các nội dung tuyên truyền về: chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; động viên nhân dân phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
xây dựng mối đoàn kết quân-dân; đấu tranh chống diễn biến hòa bình…Từ đó, tổ chức
các đợt lưu diễn, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thành phố;
chú trọng thực hiện ở các địa bàn trọng điểm và vào các dịp có sự kiện chính trị
trọng đại của đất nước và của thành phố, các đợt hành quân dã ngoại kết hợp
công tác dân vận,…
Các nhà hát,
đoàn nghệ thuật Quân đội luôn giành những kết quả cao trong các hội diễn sân khấu,
nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc. Hằng năm, đã có thêm nhiều nghệ
sĩ Quân đội được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; nhiều
tác giả là quân nhân được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội
Nhạc sĩ Việt Nam...Tổng cục Chính trị cũng đã định kỳ tổ chức các trại sáng
tác, cuộc vận động sáng tác, xây dựng quỹ đầu tư các tác phẩm trọng điểm về đề
tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Từ đây, đã có thêm nhiều tác
phẩm có giá trị ở hầu hết các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa,
điện ảnh,...bổ sung vào kho tàng văn học Việt Nam, làm phong phú, sâu sắc thêm
đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội.
Công tác đào
tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội được chú trọng. Hằng năm,
hệ thống nhà trường Quân đội, đặc biệt là Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội,
đã phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhiều học viên các chuyên ngành văn học nghệ
thuật, nhằm tiếp tục bổ sung thế hệ kế cận cho đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà
báo, nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo, đạo diễn ...của Quân đội. Một số văn nghệ sĩ
trẻ đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận, như: các ca sĩ Tố Hoa, Lê
Nhung...giành giải Nhất, giải Nhì Sao Mai toàn quốc; các cây bút trẻ là quân
nhân như Đinh Phương, Lý Hữu Lương đã giành Giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu
tiên được tổ chức của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021;...
Công tác văn
hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở cũng được cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp quan
tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thường xuyên, mang lại bầu không khí vui tươi,
phấn khởi, lành mạnh ở đơn vị. Các đầu mối trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc
phòng đã thực hiện tốt việc quy hoạch, kiện toàn hệ thống thiết chế văn hóa cơ
sở theo Quyết định số 3672/QĐ-BQP ngày 24/11/2020 về Quy hoạch hệ thống thiết
chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến
năm 2030 và Hướng dẫn số 285/HD-CT của Tổng cục Chính trị. Nhờ vậy, các thiết
chế văn hóa cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, phát huy được công năng, góp phần
tích cực vào xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh ở các
đơn vị cơ sở. Theo đó, 100% các đơn vị cấp sư đoàn và tương đương có tổ chức
nhà văn hóa, cấp trung đoàn và tương đương có câu lạc bộ, cấp tiểu đoàn và
tương đương có phòng Hồ Chí Minh. Các thiết chế văn hóa cơ sở ở đơn vị đã phản
ánh đầy đủ diện mạo văn hóa quân sự ở mỗi đơn vị; thực sự là nơi để bộ đội hưởng
thụ các giá trị văn hóa tinh thần đồng thời cũng trở thành chủ thể sáng tạo ra
các giá trị văn hóa ấy. Đây cũng trở thành nơi thực hiện các cuộc vận động
chính trị lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội ở đơn vị; là lực lượng tiên phong
đấu tranh với cái xấu, cái sai, các quan điểm, hành vi gây tác hại đến văn hóa,
lối sống xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn các sản phẩm văn hóa xấu độc, đồi trụy len
lỏi vào đơn vị; “gạn đục, khơi trong”, xây dựng môi trường văn hóa quân sự
trong sạch, lành mạnh thực sự là cái nôi để đào luyện nhân cách người quân nhân
cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ.
Tuy nhiên, đứng
trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm nền
tảng để tiến lên chính quy, hiện đại, công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội
còn những hạn chế nhất định, chưa theo kịp sự phát triển chung của đất nước và
thời đại. Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, chưa có nhiều tác phẩm
mới thực sự có giá trị về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay ở
tất cả các lĩnh vực như sân khấu, điện ảnh, văn học, âm nhạc, mỹ thuật; nhất là
khi so sánh với kho tàng đồ sộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác
trong giai đoạn các cuộc kháng chiến và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước đây. Việc
phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn học, nghệ thuật trong Quân đội
cũng còn những bất cập; đặc biệt là sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác trưởng thành
từ môi trường Quân đội. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng các tác phẩm
chưa phản ánh đầy đủ hơi thở cuộc sống, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công
tác đầy gian lao nhưng nhiều giá trị thẩm mỹ, nhân văn cao đẹp của cán bộ, chiến
sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời bình.
Bên cạnh đó,
các thiết chế văn hóa ở cả cấp trên cơ sở và ở đơn vị cơ sở đều không phát huy
được hết công năng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các nhà
hát, bảo tàng, triển lãm, đoàn nghệ thuật của Quân đội nằm trong khó khăn chung
của ngành văn hóa cả nước, đã chưa có nhiều hình thức, biện pháp thích ứng để
đưa sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đến cán bộ, chiến sĩ và công chúng trong thời
gian gần đây. Các nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh và hoạt động văn
hóa, văn nghệ chưa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hoạt động hiệu quả
trong điều kiện cường độ huấn luyện cao, thực hiện nhiều nhiệm vụ công tác đột
xuất khó khăn, phức tạp như: tham gia phòng chống thiên tai và đại dịch
Covid-19.
Thực trạng
trên đây đòi hỏi cần tăng cường công tác văn hóa, văn nghệ của Quân đội nhân
dân Việt Nam đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của cán bộ, chiến
sĩ; góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
trong bối cảnh hiện nay. Quán triệt quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng
“văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo
vệ Tổ quốc” (2) và chủ trương, giải pháp được Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội
lần thứ XI xác định: “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động in, xuất
bản, báo chí, văn hóa, văn nghệ, giữ vững định hướng chính trị, tạo ra nhiều sản
phẩm báo chí, tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt”(3) , trong bối cảnh
hiện nay, công tác văn hóa, văn nghệ của Quân đội cần tập trung vào những nội
dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, công
tác quản lý công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội phải tiếp tục quán triệt
sâu sắc các nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa, như Nghị quyết số
33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng
và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất
nước”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp
tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển
bền vững đất nước”, Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về
“Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”;
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục
xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, gắn với việc triển
khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các quan điểm,
chủ trương, phương hướng của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát triển
văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Các cơ quan quản lý công tác văn hóa, văn
nghệ trong Quân đội và cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có bước cụ thể hóa vào điều
kiện, tính chất, đặc điểm mang tính đặc thù của môi trường Quân đội để ban hành
các chỉ thị, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn hoạt động văn hóa, văn nghệ thực
sự khoa học, cập nhật, theo hướng ngày càng hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, hoạt động
lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn nghệ của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp phải vừa
đảm bảo sự nhạy cảm cao về mặt chính trị, bám sát các hoạt động huấn luyện, sẵn
sàng chiến đấu, học tập, công tác…của Quân đội trong giai đoạn hiện nay, vừa
linh hoạt, sáng tạo, thấu hiểu, sẻ chia với văn nghệ sĩ và các lực lượng thực
hiện nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.
Hai là, tiếp
tục củng cố, kiện toàn quy hoạch hệ thống và tổ chức biên chế các nhà hát, đoàn
nghệ thuật, bảo tàng, thư viện…trong Quân đội theo hướng tinh, gọn nhằm nâng
cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Xây dựng cơ chế thông thoáng trong khuôn khổ các
quy định quản lý nhà nước về văn hóa để các thiết chế nói trên hoạt động đúng
tôn chỉ, mục đích và hiệu quả cao. Tăng cường đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở hạ
tầng và đảm bảo trang thiết bị công nghệ tiên tiến trong lộ trình hiện đại hóa
mọi mặt hoạt động của Quân đội. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật, bảo tàng, thư viện…trong
Quân đội cần phát huy tính năng động chủ quan trong việc tiếp cận các công nghệ
mới như: 5G, trí tuệ nhân tạo AI, các nền tảng số, ..v…v để vừa nâng cao hiệu
quả hoạt động và chất lượng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, vừa mang sản phẩm
đó đến nhiều hơn với bộ đội và công chúng trong điều kiện sinh hoạt thời đại dịch
Covid-19.
Ba là, tiếp tục
đầu tư tổ chức các trại sáng tác (có thể theo hình thức online, phù hợp với trạng
thái bình thường mới hiện nay), các cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học,
nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ hôm nay, về hình tượng “Bộ đội cụ Hồ” trong
thời đại mới. Có chính sách thích hợp để động viên, khích lệ, tập hợp các tác
giả trong và ngoài Quân đội tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật
về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như phục vụ đời sống tinh thần của cán bộ,
chiến sĩ hôm nay. Tăng cường tổ chức cho các tác giả thâm nhập thực tế, qua đó
làm cho các sáng tác mang đậm hơi thở cuộc sống, học tập, rèn luyện, huấn luyện
sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đại dịch
Covid-19 của bộ đội hiện nay. Định kỳ tổ chức nghiệm thu, trao thưởng cấp Bộ Quốc
phòng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách công tâm, khách quan, chính
xác, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo của văn nghệ sĩ để có nhiều hơn các tác
phẩm có giá trị về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân.
Bốn là, tiếp
tục có chính sách thu hút nhân tài trên lĩnh vực văn học nghệ thuật vào hoạt động
trong Quân đội. Chú trọng phát hiện từ trong hoạt động văn hóa, văn nghệ quần
chúng những cán bộ, chiến sĩ có khả năng để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những
văn nghệ sĩ Quân đội chuyên nghiệp. Tập trung khắc phục sự thiếu hụt cả về số
và chất lượng đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật của Quân đội hiện nay. Tăng
cường lực lượng cán bộ, nhân viên văn hóa, nghệ thuật được đào tạo bài bản về
hoạt động trực tiếp ở cơ sở đồng thời phải có cơ chế động viên, khuyến khích, tạo
môi trường làm việc thuận lợi để họ yên tâm công tác và cống hiến nhiều hơn cho
công tác văn hóa, văn nghệ ở đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, tiếp
tục triển khai một cách thống nhất về quy hoạch, tổ chức hệ thống thiết chế văn
hóa ở cơ sở phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng
đơn vị Quân đội. Triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy công năng của các thiết
chế văn hóa trong việc tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; tạo điều
kiện cho bộ đội hưởng thụ các giá trị văn hóa lành mạnh, tiến bộ; lan tỏa “văn hóa
đọc”; động viên cán bộ, chiến sĩ sáng tạo các giá trị văn hóa; đấu tranh bài trừ
ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa đồi trụy, lạc hậu, ngoại lai; góp phần tích
cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh thực sự là cái
nôi để đào luyện nhân cách người quân nhân cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ./.
TVV-H4
TÀI LIỆU THAM
KHẢO
1. Quân ủy
Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ
2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.5.
2. Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb
Chính trị Quốc gia, H, 2021, tr.330.
3. Quân ủy
Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Báo cáo chính trị của Quân ủy trung ương nhiệm kỳ
2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H.2020, tr.26.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét