CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

KHƠI DẬY NIỀM ĐAM MÊ ĐỌC SÁCH CHO THẾ HỆ TRẺ

 

Từ năm 2022, ngày 21/4 trở thành Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam. Thêm từ “văn hóa đọc” trong ngày này, Chính phủ không chỉ khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người mà còn khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng.

Một lần trò chuyện với một chuyên gia văn hóa, khi trao đổi về vấn đề văn hóa đọc sách hiện nay, ông đã chia sẻ với tôi nhiều điều đáng suy ngẫm.

Thời nay, nhiều người không ngại chi hàng chục triệu đồng để trang hoàng phòng làm việc, phòng ở của mình thành phòng trưng bày những cuốn sách to, dày cộp, bìa cứng bóng loáng, nhưng lại chẳng mấy khi dành thời gian để nghiên cứu, nghiền ngẫm những quyển sách có giá trị.

Nhìn thoáng qua, có cảm tưởng thời nay ai cũng ham mê đọc vì khi rảnh rỗi là lại “dán mắt” vào màn hình Iphone, Ipad, laptop, nhưng thực ra đó chỉ là đọc lướt, đọc nhanh, đọc bề nổi để cập nhật tin tức “nóng, sốt”. Trong khi đó, bao nhiêu vẻ đẹp của câu từ, chữ nghĩa, của tri thức văn hóa cổ kim đông tây đúc kết trong những cuốn sách quý thì chẳng mấy người để mắt tới.

Sau khi bày tỏ trăn trở như vậy, chuyên gia văn hóa cho rằng, khi người ta coi “văn hóa lướt mạng” là giải khuây sự tò mò, là giải sầu nỗi cô đơn và giải tỏa căng thẳng thì việc chấn hưng văn hóa đọc còn gian nan lắm. Vẫn biết, một trong những chức năng cơ bản của đọc sách là giải trí, nhưng nếu để chức năng này lấn lướt các chức năng khác như thẩm mỹ, giáo dục, khuyến thiện... thì giá trị, ý nghĩa sâu xa của văn hóa đọc sẽ giảm đi khá nhiều.

Trong khi đó, một trong những đối tượng cần được ưu tiên, khuyến khích tiếp cận, đọc sách nhiều nhất thì nay cũng dễ trở thành đối tượng ngại, thậm chí lười đọc sách.

Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nêu rõ: “Khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xây dựng, duy trì thói quen đọc”.

Trong hai nhóm đối tượng trên, nhóm học sinh-sinh viên có nhiều thời gian, điều kiện để tiếp cận đọc nhiều hơn. Còn nhóm cán bộ, công chức thì phần lớn thời gian hành chính tập trung giải quyết việc công, về nhà thì bận chuyện gia đình, con cái, liệu còn hứng thú với việc đọc sách?

Nói thế để phần nào cảm thông với bao nhiêu việc mà cán bộ, công chức phải lo toan, gánh vác. Tuy nhiên, là cán bộ, công chức thì càng phải coi trọng và tranh thủ tìm đọc sách nhiều hơn, thường xuyên hơn. Vì đọc sách không những góp phần làm giàu ngôn ngữ, làm giàu tri thức, làm giàu đời sống tâm hồn cho con người, mà còn giúp người đọc rèn luyện tư duy, cải thiện trí nhớ, tăng cường kỹ năng phân tích khoa học và nâng cao khả năng viết, nói mạch lạc, trau chuốt hơn.

Nhìn từ thực tế, tại sao có những cán bộ, công chức nhiều khi vẫn nói năng sáo rỗng, khô khan, cộc lốc? Vì sao vẫn có “người nhà nước” trình bày văn bản, báo cáo vẫn còn nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp? Nếu cán bộ, công chức lười đọc sách, ngại hấp thụ bao lời hay ý đẹp từ sách thì khó có thể nói năng lưu loát, thu hút người khác!

Được biết, trước năm 2021, ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ năm 2022, ngày 21/4 trở thành Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam.

Muốn để văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ, “ăn sâu bén rễ” trong toàn xã hội thì trước hết đội ngũ cán bộ, công chức phải nêu gương về văn hóa đọc để trao truyền cảm hứng, cổ vũ văn hóa đọc cho cộng đồng./.

LQT-H8

0 nhận xét: