Quan
điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là đúng đắn nhưng chỉ đúng đắn trong điều
kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước), nền sản xuất dựa
trên máy móc cơ khí. Còn hiện nay, nhân loại đã chuyển mình sang Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa, tin học hóa, dữ
liệu lớn (Big data). Hay nói như một số nhà lý luận phương Tây là thời đại “hậu
công nghiệp”, kinh tế - xã hội có rất nhiều đổi thay, vì vậy hiện nay chủ nghĩa
Mác - Lênin không còn phù hợp nữa. Trong thời đại ngày nay, trong nền sản xuất
hiện đại đã sử dụng nhiều robot - người máy, tự động hóa, người công nhân được
tuyển dụng và sử dụng rất ít, cho nên học thuyết giá trị thặng dư của Mác, học
thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân... không còn phù hợp nữa.
Trong điều kiện hiện đại thì nhà tư bản không còn bóc lột sức lao động của giai
cấp công nhân lao động nữa. Giai cấp công nhân không còn vai trò trong nền sản
xuất hiện đại mà chính tầng lớp trí thức mới là người quyết định vận mệnh tương
lai của nhân loại. Những quan điểm cho rằng thế giới đã có sự thay đổi “quyền lực”.
Chẳng hạn, Alvin Toffler cho rằng “quyền lực” trong quá trình vận động và phát
triển của chính bản thân nó đã trải qua các hình thức phát triển: Đi từ “bạo lực
quyền, đến của cải quyền, rồi đến tri thức quyền” hay có người gọi là “trí quyền”.
Nghĩa là thuở hoang sơ, phải dùng sức mạnh bạo lực mới có quyền lực như thông
qua xâm lược, ăn cướp,...; sau đó kẻ nào có tiền là có quyền lực và đến hiện
nay, ai có trí tuệ, có tri thức là có quyền lực (trí quyền). Nếu thoáng qua
chúng ta thấy có vẻ hợp lý, bởi lẽ trong một xã hội chưa hoàn thiện, còn dựa
trên sở hữu tư nhân thì kẻ nào có tiền thì kẻ đó có quyền lực. Nhưng thực chất ở
đây, Alvin Toffler muốn khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản hiện đại đã thay đổi,
không còn xâm lược hay bạo lực nữa, có tiền cũng không có quyền lực nữa, giai cấp
công nhân không còn vai trò sứ mệnh lịch sử giải phóng lao động nữa mà tầng lớp
trí thức mới đóng vai trò này trong xã hội hiện đại. Nếu tách quyền lực ra khỏi
sản xuất vật chất, ra khỏi kinh tế thì quyền lực không còn cơ sở để tồn tại nữa.
Xét về bản chất, quyền lực vẫn do kinh tế quyết định. Trong tác phẩm Chống
Đuyrinh, Ph.Ăngghen khi phê phán Đuyrinh vì không hiểu bạo lực đã viết “vậy một
lần nữa, bạo lực lại do tình hình kinh tế quyết định, tình hình kinh tế cung cấp
cho bạo lực những phương tiện để tạo ra và duy trì những công cụ bạo lực”1. Đồng
thời, Ph.Ăngghen cũng chỉ ra rằng “bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, những điều
kiện kinh tế và tài nguyên kinh tế đều là những cái đã giúp cho “bạo lực” chiến
thắng, nếu không có những điều kiện và tài nguyên đó thì bạo lực không còn là bạo
lực nữa”2. Điều này hoàn toàn phù hợp, tương thích với quyền lực. Do vậy, nếu
có tri thức nhưng không có điều kiện kinh tế, điều kiện vật chất để chuyển hóa
những tri thức ấy thành của cải vật chất thì tri thức ấy cũng không có vai trò
gì. Cho nên cách tiếp cận của Alvin Toffler chỉ là một cách xa rời khôn khéo những
nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà thôi.
Quan
điểm khác cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác, Ph.Ăngghen sáng lập, được
V.I.Lênin phát triển là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, văn hóa của châu Âu
là chủ yếu. Mà đó lại là châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do vậy, đối với
châu Âu hiện nay thì nó không còn phù hợp. Đối với châu Á thì càng không phù hợp.
Bởi lẽ, châu Á có sự phát triển kinh tế khác, có trình độ văn hóa, cùng phong tục,
tập quán khác châu Âu. Do vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin không phù hợp với Việt
Nam, Trung Quốc, Lào, Triều Tiên,... Tư tưởng Hồ Chí Minh lấy chủ nghĩa Mác -
Lênin làm nền tảng, cơ sở, do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể và không
nên vận dụng vào Việt Nam. Vì vậy, không nên lấy học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam. Đúng là các châu lục
khác nhau có những đặc thù khác nhau trong quá trình vận động, phát triển.
Nhưng như thế không có nghĩa mỗi châu lục phải có nền toán học, vật lý, hóa học,
hay khoa học nói chung riêng biệt. Tại sao các dân tộc khác nhau ở những châu lục
khác nhau họ có thể hiểu được các tác phẩm văn học, nghệ thuật, những tác phẩm
điện ảnh v.v. của nhau được? Họ hiểu được những điều này là bởi lẽ, mặc dù giữa
các dân tộc có sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, tâm lý nhưng họ đều dựa trên
những tri thức khách quan, những quy luật khách quan được phản ánh trong các
tác phẩm văn học, nghệ thuật, điện ảnh đó. Chính những tri thức khách quan,
chính cái quy luật khách quan hay nói khác đi chính cái biện chứng khách quan
đã quy định cái biện chứng chủ quan trong đầu óc họ. Các tri thức khách quan,
các quy luật khách quan không phụ thuộc vào ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập
quán, chỉ phụ thuộc vào nội dung khách quan mà nó phản ánh. Các yếu tố ngôn ngữ,
văn hóa, phong tục, tập quán... chỉ làm cho các tri thức khách quan, các quy luật
khách quan được phát hiện, trình bày mang thêm sắc thái chủ quan khác nhau mà
thôi chứ nội dung khách quan mà chúng phản ánh vẫn là một, là không đổi. Đúng
như V.I.Lênin đã viết “Những khái niệm của con người là chủ quan trong tính trừu
tượng của chúng, trong sự tách rời của chúng, nhưng là khách quan trong chỉnh
thể, trong quá trình, trong kết cuộc, trong khuynh hướng, trong nguồn gốc”3. Chủ
nghĩa Mác - Lênin mặc dù ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX, nhưng luôn được
bổ sung, phát triển và dù được trình bày bằng ngôn ngữ nào thì nó vẫn phản ánh
đúng quy luật vận động khách quan của lịch sử loài người, trong đó có quy luật:
“Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu
như nhau”4. Chính vì vậy, giai cấp tư sản không thích thú gì với học thuyết
khoa học chỉ ra rằng chính họ - chính giai cấp tư sản - sẽ bị sụp đổ cả. Vì vậy,
việc họ quyết liệt chống đối, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và những chủ thuyết
dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin là điều không khó hiểu.
Có
quan điểm đồng nhất sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô
và Đông Âu với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, sự sụp đổ của chủ
nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội nói riêng. Từ đây, họ ca ngợi mô hình chủ
nghĩa xã hội dân chủ. Cho rằng chính chủ nghĩa xã hội dân chủ là mô hình phát
triển phù hợp với thế giới đương đại, vừa tích hợp được những mặt mạnh của chủ
nghĩa tư bản với mặt mạnh của chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, có một số ý kiến cho rằng
những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặc dù có những bất cập nhất định
nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường thường
được giải quyết tốt hơn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, các nước đi
theo chủ nghĩa xã hội thường xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán.
Chính tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán đã cản trở xã hội phát triển
lành mạnh. Họ thường đồng nhất những yếu kém, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện
thực, hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng cho sự
không đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin. Những loại ý kiến này đều sai lầm ở
một điểm là đồng nhất một mô hình chủ nghĩa xã hội sai lầm với chủ nghĩa Mác -
Lênin và chủ nghĩa xã hội nói chung. Họ cố tình làm ngơ trước những thành tựu của
chủ nghĩa xã hội cải cách, mở cửa, đổi mới ở Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Dân chủ
nhân dân Lào, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Họ đồng nhất hiện trạng tham nhũng,
quan liêu, độc đoán với chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không phủ định những hạn chế
biểu hiện ở tình hình tham nhũng, quan liêu, độc đoán ở một số nước xã hội chủ
nghĩa, nhưng hiện trạng này cũng tồn tại ở các nước tư bản phát triển, ở các nước
không đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dường như hiện trạng này tồn tại khá
phổ biến trên thế giới, không loại trừ quốc gia nào. Nó là căn bệnh của bộ máy
quan liêu mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm làm trong sạch./.
NTA-NNTV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét