Xuất phát từ quan điểm duy vật về
lịch sử, C.Mác coi sự vận động nội tại của phương thức sản xuất quyết định sự
phát triển của toàn bộ lịch sử xã hội, trong đó đấu tranh giai cấp là một trong
những động lực quan trọng của xã hội có giai cấp, như “đòn bẩy” để thay đổi
hình thái kinh tế - xã hội.
Do điều kiện lịch sử, C.Mác chưa
đưa ra được định nghĩa về giai cấp nhưng ông đã chỉ rõ nguồn gốc dẫn tới việc
phân chia giai cấp: “Sự xuất hiện và tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền
với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất”[1]. Luận điểm này cho thấy, sự phát
triển của lực lượng sản xuất (LLSX) dẫn tới sự phân công lao động xã hội các
quá trình này tác động qua lại với nhau làm cho năng suất lao động tăng cao,
không chỉ thỏa mãn nhu cầu của con người mà còn tạo ra sự dư thừa tương đối sản
phẩm lao động từ đó nảy sinh tư tưởng tư hữu, chiếm đoạt của chung làm của
riêng, đây chính là cơ sở cho sự phân hóa xã hội thành kẻ giàu người nghèo, kẻ
sang người hèn, thành các giai cấp đối kháng. Nguồn gốc sâu xa của sự phân chia
giai cấp là do sự phát triển của LLSX, còn nguồn gốc trực tiếp của nó là chế độ
tư hữu. Mâu thuẫn giữa LLSX mang tính xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản
xuất (QHSX) đã lỗi thời, biểu hiện trong xã hội chính là mâu thuẫn giữa hai
giai cấp, giai cấp bị thống trị (đại diện cho LLSX đang phát triển) giai cấp thống
trị (đại diện cho QHSX lỗi thời). Mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng trở nên
gay gắt và không thể điều hòa được, để giải quyết mâu thuẫn thì đấu tranh giai
cấp (ĐTGC) là tất yếu trong xã hội có giai cấp. Trong tác phẩm "Tuyên
ngôn của Đảng cộng sản" viết năm 1848 C.Mác đã khẳng định: Lịch sử tất cả
các xã hội cho đến nay (sau này Ăng-ghen thêm: trừ lịch sử của công xã nguyên
thuỷ) đều là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Ông gọi đây là "tiền đề thực
tiễn tuyệt đối cần thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ chỉ là sự nghèo
nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì ắt sẽ
bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để giành những cái cần thiết, thế là người
ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây”[2].
Lịch sử nhân
loại đã chứng minh: Thời cổ đại nếu không có các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của
hàng chục vạn nô lệ và tầng lớp bình dân chống lại giai cấp chủ nô thì chế độ
nô lệ dù đã thối nát cũng không thể sụp đổ. Cuối xã hội phong kiến các phong
trào đấu tranh của nông dân, thợ thủ công, thương nhân, trí thức... do giai cấp
tư sản lãnh đạo đã dẫn đến các cuộc cách mạng tư sản trong các thế kỷ XVI,
XVII, XVIII làm sụp đổ chế độ phong kiến, đưa xã hội chuyển sang thời đại tư sản.
Cuộc ĐTGC do giai cấp công nhân tiến hành là cuộc đấu tranh cuối cùng trong lịch
loài người. Nó là phương tiện tất yếu để giải phóng con người khỏi áp bức, bóc
lột và xóa bỏ hoàn toàn chế độ người bóc lột người. Vì vậy, đây là cuộc đấu
tranh gay go và phức tạp nhất trong lịch sử và nhất thiết sẽ dẫn đến chuyên
chính vô sản. Tuy nhiên: “Bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến
tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp và tiến tới một xã hội không giai cấp”[3].
Vận dụng lý
luận về ĐTGC của C.Mác vào trong điều kiện nước ta hiện nay, Đảng ta với quan
điểm phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế nhưng không
xem nhẹ ĐTGC. Trái lại, Đảng ta luôn xác định, hiện nay và trong suốt thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nước ta vẫn còn giai cấp do đo ĐTGC là tất yếu.
Tuy nhiên, cuộc ĐTGC trong thời kỳ mới diễn ra với những nội dung và hình thức
đặc thù, phức tạp, có mặt ngày càng gay gắt hơn bởi tính đa dạng trong mâu thuẫn
của các yếu tố, các nhân tố ở nước ta hiện nay. Trước những biến đổi to lớn
về kinh tế, xã hội đã làm cho cơ cấu giai cấp, vị trí, mối quan hệ giữa các
giai cấp, các tầng lớp trong xã hội có nhiều thay đổi; lợi ích cơ bản, lâu dài
của các giai cấp trong xã hội Việt Nam thống nhất với nhau và thống nhất với lợi
ích của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các lực lượng đi ngược lại lợi ích
của nhân dân, đi ngược lại xu thế của dân tộc; cùng với đó nước ta vẫn còn
nghèo, LLSX trình độ còn thấp và không đồng đều, QHSX đang từng bước đổi mới
song chưa thực sự phù hợp với sự phát triển cũng như tính không đồng đều của
LLSX. Do đó, Đảng ta khẳng định: ĐTGC trong thời kỳ quá độ ở nước ta thực chất
là thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều
này được thể hiện trên những nội dung sau:
Đấu tranh
trên lĩnh vực kinh tế: nhằm thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh: Đảng
ta đã chủ trương phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ và phát
triển những nhân tố xã hội chủ nghĩa, chống lại khuynh hướng tự phát tư bản chủ
nghĩa trong nền kinh tế thị trường. Ưu tiên phát triển LLSX, đồng thời từng bước
hoàn thiện QHSX nhằm tạo động lực phát triển cho nền sản xuất xã hội. Thực tế
cho thấy, hơn 30 năm đổi mới, kinh tế nước ta đã có nhiều khởi sắc, đời sống
nhân dân ngày được nâng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng thế gới (WB) có 70%
người dân Việt Nam đã an toàn về mặt kinh tế trong đó có 13% thuộc tầng lớp
trung lưu theo tiêu chuẩn thế giới, VN cũng xuất hiện nhiều tỷ phú theo chuẩn
thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm: năm 1993 = 58%; năm 2016 = 9,88%; năm 2020
sẽ là dưới 3%. Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XIII cũng đã đặt ra mục
tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện
đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập
cao. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định, chúng ta đã có thể
tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh.
Đấu tranh trên lĩnh vực chính trị,
tư trưởng, văn hóa: Đảng ta với quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến
bộ và công bằng xã hội, do đó phải đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những tư tưởng
và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của
các thế lực thù địch hòng phá hoại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đấu
tranh để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tiếp
thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân được nâng cao. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn
hóa hiện nay là cuộc đấu tranh đầy khó khăn, phức tạp. Bởi vì “kẻ thù” cần đấu
tranh là các thế lực thù địch phản động chống phá với những âm mưu, thủ đoạn
thâm độc diễn ra trên mọi không gian; nhưng có khi lại là anh, em, bạn bè, đồng
chí từng kề vai, sát cánh vào sinh ra tử; song cũng có khi là chính bản thân
mình trước những cám dỗ quyền lực, vật chất, chống “tự diễn biến, tự chuyển
hóa”...Nhận thức rõ những biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra, ngày 23/9/2019, Bộ
chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong
công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Bên cạnh Nghị quyết trung ương
4, khóa XI; Nghị quyết trung ương 4, khóa XII của Đảng, Quy định số 205-QĐ/TW
là một trong những nội dung quan trọng giúp cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực
chính trị, văn hóa, tư tưởng được hiệu quả.
Có thể thấy
học thuyết về đấu tranh giai cấp C.Mác đã đưa ra cách đấy hơn một thế kỷ nhưng
nó vẫn có giá trị với cuộc ĐTGC ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vẫn là cuộc
đấu tranh ý thức hệ giữa tư tưởng vô sản với tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã
hội, chủ nghĩa cộng sản với các thế lực thù địch, phản động; là cuộc đấu tranh,
bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bảo vệ thành quả
cách mạng; đồng thời thực hiện mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân
dân ta đã lựa chọn./.
NCB-H4
[1] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, t28, Nxb.
Chính trị quốc gia, H. 2002, tr.662
[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập,
t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tr 49
[3] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập,
t.3, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 662
0 nhận xét:
Đăng nhận xét