Ngày 2/9/1945, tại quảng trường
Ba Đình lịch sử, dựa trên tinh thần bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ,
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791 và thực tiễn
thành quả cách mạng là “nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập
nên nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng,
Chính phủ lâm thời và toàn thể nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới rằng: “Tất cả mọi
người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm
được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một
nước tự do và độc lập”.
Với bản Tuyên ngôn đó, hòa
bình của nhân dân và dân tộc Việt Nam đã được lập lại trên cơ sở vững chắc của
nền độc lập, tự do mà nhân dân ta vừa giành được sau gần 100 năm đô hộ của thực
dân, phát xít và phong kiến. Bản Tuyên ngôn còn khẳng định khát vọng hòa
bình mà nhân dân Việt Nam đã đấu tranh, phấn đấu gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch
sử. Là một dân tộc nhỏ bé, để tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam luôn thể
hiện lòng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, vượt qua biết bao cuộc chiến tranh
xâm lược, cường bạo trong lịch sử. Từ buổi đầu dựng nước, với truyền thuyết Thánh
Gióng, Nỏ thần Kim Quy, đến thời kỳ đấu tranh giành độc lập, khẳng định
quyền tự chủ với bài thơ thần - Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, rồi
đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… đã không chỉ khẳng định nền độc
lập, tự chủ và tự do mà còn sang sảng tuyên bố khát vọng hòa bình và chung sống
hòa bình của dân tộc Việt Nam với các lân bang.
Tiếp nối khát vọng, phát huy
truyền thống hòa bình của dân tộc, trước bối cảnh thực dân Pháp quyết thực hiện
âm mưu chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa từ năm 1945 đến cuối năm 1946,
đã buộc Đảng ta, Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra Lời kêu gọi
toàn quốc kháng chiến. Tuy là lời phát động cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nhưng lời kêu gọi ấy lại tỏa
sáng khát vọng, ý chí hòa bình ngàn đời của dân tộc ta, nêu cao tinh thần chính
nghĩa, giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt Nam, đề cao tư tưởng tiến bộ của
nhân loại và thời đại. Một lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhưng lại không có
một ngôn từ nào thuộc về “chiến tranh”, “tiêu diệt”, “bắn giết” kẻ thù… Trái lại,
nó hoàn toàn là những ngôn từ thể hiện tư tưởng hòa bình, chính nghĩa được nêu
cao hơn bao giờ hết, mà trước hết là tư tưởng: “Chúng ta muốn hòa bình,
chúng ta đã nhân nhượng”.
Chính những ngôn từ hòa bình
trong Lời kêu gọi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy truyền thống, khát vọng
hào hùng của dân tộc Việt Nam ta, cổ vũ tinh thần chiến đấu hy sinh giữ vững nền
độc lập, tự do của toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam; đồng thời, làm cho cộng
đồng thế giới, nhân dân tiến bộ Pháp thấy được tính chất chính nghĩa và ủng hộ
sự nghiệp kháng chiến, tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam;
làm cho nội bộ các thế lực thực dân Pháp xâm lược và đế quốc can thiệp bị lên
án, phân hóa, cô lập trên trường quốc tế; làm cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc
và sức mạnh thời đại của nhân dân Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi và được
phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiến lên giành thắng lợi từng phần, tiến đến
giành thắng lợi toàn cục và quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược.
Từ khát vọng hòa bình được nêu
cao từ ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng ý chí và tinh thần
đấu tranh anh dũng, kiên cường bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước; tinh thần
lao động, sáng tạo không ngừng, đạt được những thành tựu vĩ đại trong công cuộc
đổi mới vừa qua của nhân dân và lực lượng vũ trang ta trong suốt 76 năm qua, đã
tạo tiền đề vật chất và tinh thần vững chắc cho Đại hội XIII của Đảng xác định
quan điểm chỉ đạo: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân
tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn
vinh, hạnh phúc” nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo tầm nhìn
và định hướng phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045, đưa nước ta trở thành nước
phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa…Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh
phúc đã trở thành mệnh lệnh từ mỗi trái tim của con người Việt Nam, và là
con đường đúng đắn nhất để khẳng định, giữ vững, bảo vệ nền hòa bình lâu
dài của đất nước./.
NCB-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét