CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA ĐỖ NGÀ

 

Chưa bao giờ các thế lực phản động, cơ hội chính trị từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng công kích, xuyên tạc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong đó, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một mũi nhọn chống phá. Trên Facebook: “Hội những người cầm bút can đảm” đã đăng tải bài viết “Sự cản trở của cái đuôi định hướng”. Trong nội dung bài viết, chúng cho rằng: “Cái gọi là Kinh tế Thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về bản chất là sự can thiệp quá sâu của yếu tố nhà nước”. Đây là luận điệu xuyên tạc của y, bởi lẽ:

Thứ nhất, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, cũng không có mô hình kinh tế thị trường chung cho tất cả các quốc gia, dân tộc.

Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới cho thấy, chủ nghĩa tư bản không sinh ra kinh tế hàng hóa và kinh tế hàng hóa đã xuất hiện ở giai đoạn đồng tiền còn chưa xuất hiện. Khi chưa có tiền tệ, trao đổi hàng hóa mang hình thức trực tiếp, gọi là hàng đổi hàng, và kinh tế thị trường đã có mầm mống từ trong xã hội chiếm hữu nô lệ, được hình thành trong xã hội phong kiến và trong chủ nghĩa tư bản nó đã đạt đến trình độ cao. Chính vì vậy, không thể nhầm tưởng rằng kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản.

Thực tế cho thấy, kinh tế thị trường không phát triển theo một mô hình duy nhất mà có nhiều mô hình khác nhau như: Mô hình kinh tế thị trường tự do, đang được thực hiện ở các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu và Bắc Mỹ, với chức năng chính của nhà nước là bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và các quyền tự do cá nhân, bảo đảm ổn định vĩ mô, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân và cơ chế thị trường tự do vận hành. Thực chất, nền kinh tế thị trường tự do như ở Hoa Kỳ vẫn mang nặng chủ nghĩa bảo hộ của nhà nước; còn mô hình kinh tế thị trường – xã hội ở các nước Tây – Bắc Âu, như Đức, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan… cũng là những biến thể của kinh tế thị trường tự do. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được thực hiện ở Việt Nam và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, được thực hiện ở Trung Quốc, đây là những mô hình kinh tế thị trường mới phát triển trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, do đó có những tính ưu việt riêng. Như vậy, mỗi quốc gia, dân tộc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường nào đều phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh phát triển cụ thể của quốc gia, dân tộc đó. Vì vậy, Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Thứ hai, thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xác định với mục tiêu: Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa; là nền kinh tế có tổ chức, có kế hoạch, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thực hiện quản lý bằng chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch; sử dụng cơ chế thị trường để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và tạo môi trường pháp lý quan trọng cho sự phát triển các thành phần kinh tế và các chủ thể kinh tế.

Một thực tế không thể phủ nhận, trong giai đoạn đầu đổi mới, từ năm 1986 đến năm 1990, mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm nước ta chỉ đạt 4,4%; giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995, tăng trưởng GDP bình quân đã đạt 8,2%/năm. Các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao, riêng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Trong 4 năm, từ năm 2016 đến năm 2019, Việt Nam liên tiếp đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, trong khi nhiều nước có mức tăng trưởng âm, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm (2016 – 2020) tăng trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta tiếp tục được bảo đảm, góp phần xây dựng nền tảng kinh tế vĩ mô phát triển bền vững. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, những nội dung bài viết của chúng là hoàn toàn bịa đặt vô căn cứ, quy chụp, bóp méo tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiến quyết vạch trần và đấu tranh bác bỏ./.

                                                                                             NTT-KBC

0 nhận xét: