CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

HÀNH TRÌNH THEO CHÂN BÁC HỒ!

 

Cách đây 111 năm, ngày 6-7-1911, Nguyễn Tất Thành, với cái tên thủy thủ Văn Ba trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville” của Hãng Vận tải Hợp Nhất, đã cập bến cảng Marseille và đặt chân lên mảnh đất đầu tiên của nước Pháp. Trong những ngày ở đây, chứng kiến những người lao động Pháp cũng sống trong cảnh bần cùng, người thanh niên yêu nước Việt Nam tự hỏi: “Thế ra ở nước Pháp cũng có người nghèo à!? Tại sao người Pháp không “khai hóa” cho đồng bào của họ trước khi “khai hóa” chúng ta?”.

Tháng 7-1919, bài báo “Tâm địa thực dân” ký tên Nguyễn Ái Quốc, phản bác lại một bài viết đăng trên tờ “Courrier Colonial” (Thông tin Thuộc địa) nhằm công kích “Bản Yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam” gửi cho Hòa hội Versailles (tháng 6-1919). Bằng giọng văn châm biếm nhưng đanh thép, Nguyễn Ái Quốc vạch trần tâm địa của tác giả bài báo sặc mùi thực dân. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên được công bố trong bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập”.

Tháng 7-1922, Nguyễn Ái Quốc gặp Bùi Lâm, một thủy thủ trên tàu biển chạy tuyến Sài Gòn - Marseilles. Hồi ức của Bùi Lâm nhắc lại lời căn dặn của Nguyễn Ái Quốc: “Cần luôn luôn nhớ làm nhiệm vụ của người dân mất nước. Anh em nên thương yêu nhau, vui vẻ, đoàn kết với nhau. Đoàn kết cả với công nhân Pháp, nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Chúng ta đều là người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột như nhau...”.

Ngày 6-7-1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc mít tinh vì hòa bình, tổ chức tại Mátxcơva, đứng trên lễ đài bên cạnh các nhà lãnh đạo Xô Viết nổi tiếng đương thời như Vorosilov, Kalinin, Zinoviev, Frunze... Cũng trong thời gian này, tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng bài “Lênin và các dân tộc phương Đông”, trong đó Nguyễn Ái Quốc viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi... Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể”.

Ngày 6-7-1946 là ngày Hội nghị Fontainebleau khai mạc, bàn về tương lai quan hệ Việt - Pháp. Là thượng khách của Chính phủ Pháp, nhưng Bác không tham dự mà dành thời gian tiếp một số chức phẩm Thiên Chúa giáo người Việt ở Pháp và gửi lời chào tới một lễ hội kỷ niệm cố đạo Grégoire, một nhà hoạt động thời Cách mạng Pháp đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc, màu da.

Ngày 6-7-1948, Bác chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, bàn về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao và được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng này, đồng thời hợp nhất Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy do đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 6-7-1954, trả lời Thông tấn xã Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Hội nghị Genève đang diễn ra, Bác khẳng định: “Lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc”.

Ngày 6-7-1967, Bác ký lệnh truy tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một học trò gần gũi và nhiều năng lực vừa mới từ trần.

NTH-H4

0 nhận xét: