Tháng
12-1946, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân 1
ngày nay, đóng quân ở thị xã Sơn Tây (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội), đồng chí Nguyễn
Sơn (sau này, ông được cả Việt Nam và Trung Quốc phong quân hàm cấp tướng nên
còn được gọi là “Lưỡng quốc tướng quân”) về làm hiệu trưởng, thay đồng chí
Hoàng Đạo Thúy được điều động về Bộ Quốc phòng.
Khi
mới về, đồng chí Nguyễn Sơn thường nói với cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường:
“Tôi đánh du kích bên Tàu 10 năm, nay Bác Hồ bảo đem truyền kinh nghiệm cho các
chú trong một tháng, các chú liệu mà học”. Theo ông Nguyễn Cao Vỹ, học viên Trường
Võ bị Trần Quốc Tuấn (năm 1946): “Đồng chí Nguyễn Sơn rất có tài kể chuyện. Cứ
mỗi sáng chủ nhật, chúng tôi quây quần ở hội trường, nghe ông nói về cuộc Vạn
lý trường chinh ở Trung Quốc mà ông là người trực tiếp tham gia. Tháng 1-1947,
vào một buổi chiều, học viên đang tập chiến thuật ở trên một quả đồi gần trường,
mọi người phát hiện một chiếc máy bay Dakota của Pháp đến ném bom khu vực gần
nhà dân nhưng không ai bị thương. Nghe tin có máy bay ném bom, nhân dân đến xem
vị trí địch ném bom khá đông. Trời chạng vạng tối, bà con vẫn chưa chịu về nhà.
Thấy vậy, ông Nguyễn Sơn đến giải thích cho bà con và kết luận: “Máy bay địch
không có gì đáng sợ cả, chỉ cần chúng ta biết phòng tránh cho tốt”. Nghe ông
trò chuyện dí dỏm, thuyết phục nên bà con vui vẻ ra về”.
Một
đêm trời lạnh, sương mù dày đặc, có lệnh báo động toàn trường di chuyển ngay
trong đêm: “Địch đang tiến về cầu Bùng”. Vừa lúc đó, có tiếng đại bác từ phía
Hà Nội vọng sang. Mọi người lặng lẽ thu xếp ba lô, súng đạn, quân tư trang...
nhanh chóng hành quân cấp tốc suốt đêm không nghỉ. 9 giờ sáng hôm sau, Hiệu trưởng
Nguyễn Sơn tới vị trí bộ đội tập kết, giọng ông sang sảng: “Đêm hôm qua, quân
Pháp không tiến về cầu Bùng. Đó chỉ là một cuộc báo động giả. Từ nay, chúng ta
sẽ vừa đi vừa học, không trở về trường nữa. Muốn chuyển từ thời bình sang thời
chiến phải hết sức gọn nhẹ. Chẳng nên tiếc những thứ cồng kềnh làm khổ chúng
ta...”.
Điều
đáng nói là tướng Nguyễn Sơn thường lên lớp giảng bài, nói chuyện từ sáng đến
trưa. Ông giảng bài hàng chục ngày liên tục mà không có tài liệu, sách vở nhưng
vẫn mạch lạc, logic, thuyết phục người nghe. Các bài giảng, nội dung lên lớp của
ông không bao giờ bị trùng lặp./.
LĐH-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét