Mỗi năm, cứ đến dịp 27/7, mỗi người dân Việt
Nam như lắng lại, tìm về ký ức một thời hào hùng của dân tộc. Tháng 7 gợi đến
trong mỗi người một niềm cảm xúc vô tận, tháng 7 để ta nhớ “những bài ca không
bao giờ quên”, nhớ những cô gái, chàng trai “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn
thất của nó để lại không có gì có thể đo đếm được. Giờ đây những nghĩa trang
Trường Sơn, Đường 9,… bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao "làng không chồng",
biết bao thương binh và biết bao những hài nhi bé nhỏ dị tật được sinh ra do ảnh
hưởng của chất độc màu da cam…
Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai
muốn mình phải chết nhưng Tổ quốc đang trong cơn nguy biến, cần đến sự dốc sức
của tất cả mọi người, vì vậy họ sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn lòng hy
sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ cũng gác lại ước mơ hạnh phúc, bỏ lại
giếng nước, gốc đa, bỏ lại người vợ trẻ "mòn chân bên cối gạo canh
khuya", bỏ lại sau lưng "thềm nắng lá rơi đầy" để thực hiện
nghĩa vụ với quê hương.
Tôi đã nhớ, rất nhớ từng lời, từng câu, từng chữ
trong cuốn nhật ký của bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký “Mãi mãi
tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc: "Tuổi trẻ gửi lại vào những
năm tháng chiến tranh, bom đạn, những gian khó thời chiến. Họ ra đi, mang niềm
tin và hoài bão, ước mơ của tuổi xuân gửi vào từng câu từ trong những cuốn sổ
đượm mùi thuốc súng, mùi bom đạn. Họ vẫn sống và chiến đấu tới hơi thở cuối
cùng, dẫu luôn biết trước rằng, trong khúc ca khải hoàn của ngày mai chiến thắng
sẽ chẳng có mình".
“Chúng
tôi đi không tiếc đời mình.
Tuổi
hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng
ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”
(Người
đi tới biển – Thanh Thảo)
Chiến tranh đi qua, biết bao nhiêu lớp lớp
thanh niên đã ngã xuống, họ đã hiến dâng hết tất cả tuổi xuân của mình cho mùa
xuân của dân tộc… Họ là những “nốt trầm mãi xao xuyến" trong bản hòa ca
chung của đất nước. Họ góp những "mùa xuân nho nhỏ" để làm thành mùa
xuân lớn của dân tộc. Người ta rồi sẽ già đi và về với đất mẹ. Còn các anh, các
chị thì vẫn sẽ mãi mãi ở cái tuổi đôi mươi. Tuổi đầy khát khao, hoài bão.
Cứ mỗi lần tháng bảy về, nghe lời bài hát:
"... Có người lính ra đi từ đó không về...", tự nhiên lại thấy một nỗi
nhớ xa xăm, một lòng kính trọng thăm thẳm và một niềm khắc khoải khôn nguôi!
Tháng bảy về, đêm trời bỗng đổ mưa rào rạt, sáng thức dậy chợt thấy lạnh lạnh,
người ta bảo hình như sắp sang thu. Cơn mưa dai dẳng cuối tháng bảy như tiếng
khóc thương, hoài cảm về một thời quá khứ hào hùng và những con người đã viết
nên bài ca ấy. Sau nỗi niềm mưa là lòng người trắc ẩn và trách nhiệm của những
người đang được sống với cuộc đời mới. Tháng bảy nhắc nhớ, gợi về, đó cũng là
tâm trạng của những cựu binh khi thăm lại chiến trường xưa hay khi gặp mặt đồng
chí, đồng đội cũ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết, những người con
đã bỏ mình nơi chiến trường, hoặc bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận đều xứng
đáng sống mãi trong lòng quốc dân đồng bào. Để rồi, hướng đến ngày thương binh
liệt sĩ 27/7, trên khắp cả nước lại dấy lên nhiều phong trào thi đua, nhiều việc
làm thiết thực, đầy nghĩa tình, thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng,
Nhà nước và Nhân Dân ta đối với những người đã vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc,
vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.
Tháng bảy,
hàng triệu ngọn nến, hàng triệu nén hương được thắp lên, lung linh, huyền ảo
trên hàng triệu nấm mộ liệt sỹ khắp các nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước. Đó
là nỗi nhớ thương và biết ơn của hậu thế đang cháy đỏ; những ngọn nến của lòng
tri ân, của niềm tin, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Những ngọn nến có sức lan tỏa mạnh
mẽ, đánh thức những xúc cảm của con người, từ đây mỗi người dân được lắng nhịp
tim mình về những con người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
75 mùa thu đi qua là 75 mùa tri ân, ngày 27/7
trở thành ngày mà mọi người không thể nào quên. Xin trích dẫn lời bài hát “Màu
hoa đỏ” của nhạc sỹ Thuận Yến - Thơ Nguyễn Đức Mậu, thay cho lời kết, thay cho
lòng biết ơn sâu sắc tới những anh hùng liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng:
“Có
người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có
người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về
Dòng
tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che
Chiều
biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo...”
KVĐ-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét