CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

NHẬN THỨC VẤN ĐỀ TỒN TẠI XÃ HỘI QUYẾT ĐỊNH Ý THỨC XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

 

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó, ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội và do tồn tại xã hội quyết định.

Tồn tại xã hội ở nước ta hiện nay được phản ánh trong Văn kiện Đại hội XIII, mặc dù vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, thách thức cần phải vượt qua: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa…”[1], nhưng thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được rất đáng tự hào: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2].

Điều đó khẳng định con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa mà Đảng và dân tộc ta đang đi là hoàn toàn đúng đắn, từ đó củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mục tiêu của chúng ta là: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[3].

Cơ sở lý luận và thực tiễn của mục tiêu đó chính là đường lối, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và thực trạng tồn tại xã hội mà đất nước ta đã đạt được sau hơn 35 năm đổi mới. Nói cách khác, tồn tại xã hội ở nước ta hiện nay là cơ sở thực tiễn khách quan, quy định ý thức xã hội về khát vọng, mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Từ sự phân tích đặc điểm của tồn tại xã hội trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cần nhận thức:

Một là, phân tích làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội.

Tồn tại xã hội và ý thức xã hội là hai phương diện thống nhất biện chứng của đời sống xã hội. Vì vậy, công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới phải được tiến hành đồng thời trên cả hai mặt tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Thay đổi tồn tại xã hội là điều kiện cơ bản nhất để thay đổi ý thức xã hội. Mặt khác, những tác động của đời sống tinh thần xã hội, với những điều kiện xác định cũng có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc trong tồn tại xã hội. Quán triệt nguyên tắc phương pháp luận đó trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một mặt phải coi trọng cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, phát huy vai trò tác động tích cực của đời sống tinh thần xã hội đối với quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, phải tránh tái phạm sai lầm chủ quan duy ý chí trong việc xây dựng văn hóa, xây dựng con người mới. Chỉ có thể tạo dựng được đời sống tinh thần của xã hội - xã hội chủ nghĩa trên cơ sở cải tạo triệt để phương thức sinh hoạt vật chất tiểu nông truyền thống và xác lập, phát triển một phương thức sản xuất mới trên cơ sở thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hai là, quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần không chỉ là một tất yếu khách quan, mà còn có vai trò to lớn vì: sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế, tức là tồn tại nhiều hình thức tổ chức kinh tế, nhiều phương thức quản lí phù hợp với trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất. Sự phù hợp này có tác dụng thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế trong các thành phần kinh tế và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, nền kinh tế nhiều thành phần làm phong phú và đa dạng các chủ thể kinh tế, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hoá, tạo tiền đề đẩy mạnh cạnh tranh, khắc phục tình trạng độc quyền. Góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế của nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần tạo điều kiện thực hiện và mở rộng các hình thức kinh tế quá độ, trong đó có hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Đó là những "cầu nối", trạm "trung gian" cần thiết để đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế và cùng với nó là các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh là một nội dung cơ bản của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế đáp ứng được lợi ích kinh tế của các giai cấp, tầng lớp xã hội, có tác dụng khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng của đất nước, như sức lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên, kinh nghiệm quản lí để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

NTL-H2

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 108.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 103.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 112.

 

0 nhận xét: